Posts Tagged ‘cấu trúc

31
Th3
09

VN chuẩn bị đề án tái cấu trúc nền kinh tế

Khủng hoảng tài chánh toàn cầu, áp lực suy giảm kinh tế khiến Việt Nam đặt ưu tiên cho việc tái cơ cấu nền kinh tế.

AFP PHOTO/Hoang Dinh Nam

Sau nhiều năm tăng trưởng mạnh, kinh tế Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu.

Nam Nguyên phỏng vấn Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển, một tổ chức tư nhân ở Hà Nội, để ghi nhận ý kiến ngoài chính phủ về vấn đề này.

Nam Nguyên: Thưa TS, chính phủ VN đang chuẩn bị đề án tái cấu trúc nền kinh tế trong tình hình kinh tế thế giới suy giảm, theo ông nên bắt đầu từ đâu?

Thay đổi nhận thức, tư duy

TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ nên bắt đầu từ tư duy của chính những người hoạch định chính sách. Tái cơ cấu nền kinh tế thì phải nhìn nhận lại là nền kinh tế VN nên phát huy ở thế mạnh nào và nên hạn chế những điểm yếu nào và tạo ra những chính sách để thúc đẩy thế mạnh ấy nó phát triển lên, hạn chế bớt những mặt yếu.

Tôi nghĩ nên bắt đầu từ tư duy của chính những người hoạch định chính sách.

TS Nguyễn Quang A

Nói một cách cụ thể, riêng tôi cho rằng phải triệt để cải tổ lại khu vực kinh tế nhà nước.

Không thể để cho một khu vực tiêu tốn nguồn lực quốc gia rất lớn nhưng lại tạo ra những hiệu quả thấp. Tôi luôn luôn có bằng chứng, có số liệu chứng minh rằng những doanh nghiệp đó, tuy họ có vai trò rất quan trọng nhưng họ hoạt động không hiệu quả. Điều này không phải vì họ là doanh nghiệp nhà nước, mà vì họ không chịu áp lực cạnh tranh và họ cứ nghĩ rằng nếu họ có khó khăn thì được nhà nước và các cơ quan khác cứu trợ, cứu giúp. Nếu rút được 2 điểm này và phá thế độc quyền của họ, để cho họ phải hoạt động trong điều kiện khác biệt về mặt tài chính, tức là doanh nghiệp nhà nước mà thua lỗ cũng cho phá sản cũng như các doanh nghiệp khác, trên một bình diện luật pháp ngang như nhau, không để cho họ có quá nhiều ưu đãi như bây giờ. Làm như thế thì bản thân doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ phát triển…đối với khu vực kinh tế tư nhân là mảng sáng nhất trong nền kinh tế VN bây giờ. Ba tháng vừa qua sản lượng công nghiệp của khu vực nhà nước giảm, của khu vực đầu tư nước ngoài cũng chựng lại, nhưng khu vực tư nhân trong nước vẫn phát triển tương đối khá trong hoàn cảnh khó khăn như thế này. Thế thì mình phải nhìn ở cái bức tranh chung như thế và tôi nghĩ thay đổi ở nhận thức, thay đổi ở quan điểm phát triển thì đấy là bước quan trọng, có chạy theo số lượng tiếp hay không, hay phải lo đến chuyện môi trường phải lo đến chuyện sức khỏe của người dân, phải lo chuyện đào tạo người v.v…

Tôi nghĩ đấy là cái phải dứt khoát trong suy nghĩ, thì lúc đó mới có thể tái cơ cấu một cách triệt để được.

Nam nguyên: Thưa TS, trong cơ chế chính trị của VN hiện nay theo ông những mơ ước đó có thể trở thành hiện thực hay không?

TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ nếu có nhiều người lên tiếng góp ý thì cũng có thể có sự cải thiện nhất định nào đó, còn triệt để như tôi nói thì tôi nghĩ không phải đơn giản…,cũng là khó đấy.

Cải tổ hệ thống ngân hàng VN

Nam Nguyên: Thưa TS, hệ thống ngân hàng của VN có cần phải cải tổ hay không?

TS Nguyễn Quang A: Chắc chắn là cần được cải tổ, hệ thống ngân hàng của VN là một trong những hệ thống khá yếu kém. Bất luận trong trường hợp nào, hệ thống ngân hàng ở bất kỳ nước nào vẫn là huyết mạch của nền kinh tế, cho nên cải tổ hệ thống ngân hàng là việc hết sức quan trọng. Tuy nhiên cũng phải lưu ý một điểm là, hệ thống tài chính và ngân hàng thế giới chắc chắn sẽ có những thay đổi rất lớn trong thời gian tới và bên cạnh việc thay đổi triệt để ấy, thay đổi theo hướng như thế nào thì có lẽ mình phải chú ý thêm đến những thứ sắp sửa diễn ra trên thế giới, mình phải nhanh nhậy theo những xu hướng lớn đó. Bởi vì bản thân Việt nam khó có sức lực gì để mà ảnh hưởng tới sự biến chuyển của tình hình thế giới. Mình phải nhanh nhậy trong việc nắm bắt được những thay đổi của nền kinh tế nói chung cũng như trong hệ thống ngân hàng để mình có thể thích ứng nhanh với những biến động đó. Tôi nghĩ đấy là những điểm rất quan trọng.

Tôi nghĩ là chừng nào chưa có sự thay đổi tư duy liên quan tới đất đai, chừng nào không sửa được luật đất đai một cách khá triệt để, giao quyền sở hữu cho người dân, bớt hay loại bỏ hạn điền.

TS Nguyễn Quang A

Cải tổ luật đất đai

Nam Nguyên: Thưa lãnh vực kinh tế nông thôn ở VN trước nay vẫn có nhiều bất cập, chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn rất lớn. Nhân tái cơ cấu nền kinh tế, riêng đối với nông thôn ông nhận định như thế nào?

TS Nguyễn Quang A: Vấn đề phát triển nông thôn, tôi nghĩ là vấn đề được mọi giới ở VN quan tâm, bởi vì nó là khu vực có số lượng người rất đông. Tôi nghĩ là chừng nào chưa có sự thay đổi tư duy liên quan tới đất đai, chừng nào không sửa được luật đất đai một cách khá triệt để, giao quyền sở hữu cho người dân, bớt hay loại bỏ hạn điền. Quan trọng nhất là có những chính sách để kích thích người dân tự tập họp lại, nhà nước phải có những chính sách hỗ trợ khuyến khích sao cho họ cùng nhau tập họp tạo sức mạnh cho họ.

Nam Nguyên: Cảm ơn TS Nguyễn Quang A đã trả lời các câu hỏi của chúng tôi.

P/S: Tuy mới chuẩn bị đề án tái cấu trúc nền kinh tế nhưng tương lai sáng lạn, thoát khỏi khủng hoảng ngay năm nay đã được chính phủ khẳng định. Vấn đề giá điện tăng, giá nước tăng, lo sợ mất việc làm, thuế một số mặt hàng tăng, lô cốt tăng, lạm phát tăng……….chuyện xưa như trái đất. Choáng tí nữa ngất!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!

Việt Nam sẽ thoát khủng hoảng ngay năm nay

Việt Nam sẽ nhanh chóng ra khỏi khủng hoảng, thậm chí còn có thể thoát ra trước cả Trung Quốc, quốc gia được cho sẽ hết khủng hoảng ngay những tháng sắp tới, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đánh giá trong phiên họp Chính phủ sáng 31/3.
> Tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong nhiều năm/ ‘Kích cầu đang phát huy hiệu quả’

Mặc dù 8h mới bắt đầu buổi giao ban nhưng nhiều lãnh đạo địa phương đã có mặt trước màn hình trực tuyến từ rất sớm. 7h30 trong trang phục comple sẫm màu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có mặt trước máy ghi hình tại Văn phòng Chính phủ.

Đề cập đến gói kích cầu 17.000 tỷ đồng, đa số thành viên Chính phủ đều nhất trí sắp tới, gói kích cầu sẽ không chỉ hỗ trợ giảm 4% lãi suất vốn vay lưu động ngắn hạn cho doanh nghiệp trong năm 2009 mà sẽ mở rộng cho các khoản vay trung và dài hạn. Tuy nhiên, ông Vũ Viết Ngoạn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, với tốc độ sử dụng vốn và kế hoạch tín dụng hiện nay, cả năm khả năng giải ngân gói kích cầu chỉ dừng lại tối đa ở mức 6.000 tỷ đồng. “Theo tôi, con số 6.000 tỷ đồng tuy không đạt được mục tiêu những cũng sẽ góp phần rất lớn để vực dậy nền kinh tế trong nước”, ông Ngoạn nói.

Kỳ giao ban trực tuyến đầu tiên diễn ra rất suôn sẻ. Ảnh: chinhphu.vn.

Cũng trong phiên giao ban trực tuyến cuối cùng với 63 tỉnh, thành sáng nay, tất cả thành viên Chính phủ đã bày tỏ niềm tin với triển vọng sáng sủa của nền kinh tế trong những tháng kế tiếp. Đề xuất hạ chỉ tiêu tăng trưởng GDP xuống 5% cũng được tán thành.

Là vị Phó thủ tướng đầu tiên phát biểu trong kỳ họp này, ông Hoàng Trung Hải cho rằng, mục tiêu tăng 5% GDP là “phải đạt được”. Theo ông Hải, những dấu hiệu tốt của nền kinh tế những tháng đầu năm khiến mục tiêu này là hoàn toàn có có sở. Trong thời gian tới, khâu giải phóng mặt bằng cho các dự án sẽ được tập trung hơn vì nó cũng là biện pháp kích cầu cho khu vực nông thôn.

Cũng liên quan đến khu vực chiếm hơn 70% dân số cả nước, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đề án đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn đã hoàn thành. “Trong tuần tới sẽ trình Chính phủ để thực hiện luôn trong năm nay”, ông Nhân nói.

Trong buổi sáng nay, lĩnh vực nông nghiệp được các thành viên Chính phủ dành nhiều khen ngợi. Theo số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, hầu hết các lĩnh vực nông nghiệp đều tăng trưởng trong quý I, chỉ trừ lĩnh vực nuôi trồng thủy sản sụt giảm ở mức không đáng kể là 0,5%.

Hà Nội là một trong bốn địa phương được tham gia góp ý tại lần giao ban này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn ở những lần sau, số địa phương tham gia sẽ tăng lên. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Phát biểu cuối cùng trong số các Phó thủ tướng, ông Nguyễn Sinh Hùng đưa ra những nhận định khá lạc quan. Theo ông, với quy mô kinh tế khá nhỏ cũng như mức độ hội nhập chưa sâu vào kinh tế thế giới, Việt Nam sẽ nhanh chóng ra khỏi khủng hoảng, thậm chí, còn có thể thoát ra trước cả Trung Quốc, quốc gia được cho sẽ ra khỏi khủng hoảng ngay những tháng sắp tới.

Phó thủ tướng cho rằng, những dấu hiệu tích cực trong quý I sẽ tạo ra xu hướng phát triển cho những quý tiếp theo. “Vấn đề của chúng ta bây giờ không chỉ là duy trì đà tăng trưởng mà còn cần quyết tâm phục hồi tốc độ tăng trưởng khi đã nhìn thấy đáy của suy thoái”, ông Hùng nói.

Con số tăng trưởng GDP 5% và bội chi ngân sách tối đa 8% GDP được người đứng đầu Chính phủ chốt lại để trình Quốc hội vào thời gian tới.

Nhận định về tình hình kinh tế – xã hội của đất nước trong thời gian tới, Thủ tướng khẳng định, những quý tiếp theo tốc độ tăng trưởng chắc chắn sẽ cao hơn. “Đây hoàn toàn không phải là một đánh giá tô hồng vì chúng ta có cơ sở để tin tưởng”, Thủ tướng nói.

Về giải pháp để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng đề nghị tập trung kích cầu cho khu vực nông thôn, cho nông dân vay vốn để mua sắm máy móc sản xuất, cơ giới hóa nông thôn; xúc tiền thương mại; tiếp thực hiện tốt chính sách tiền tệ… Các giải pháp an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm cũng được Thủ tướng nhắc nhở tới từng thành viên Chính phủ.

Sau một ngày rưỡi, không có trục trặc kỹ thuật nào xảy ra đối với các buổi giao ban trực tuyến lần đầu được thực hiện với quy mô 64 đầu cầu. Tuy nhiên, ở lần này, chỉ có 4 địa phương là Hà Nội, TP HCM, Thanh Hóa và Khánh Hòa được dành thời gian phát biểu ý kiến.

Nguyễn Hưng




Vô Danh Khuyết

Số người đang online cùng bạn

website stats

Số người truy cập

  • 92 768 hits