Posts Tagged ‘Nguyễn Quang A

29
Th7
09

Bkis: Công hay tội????? – Ông lớn hay thường dân???????

Hai ý kiến rất khách quan về vụ Bkis có công hay có tội và mọt số thông tin thêm ngoài lề trên diễn đàn

Được gửi bởi KEM_WALL View Post
/* BKIS lợi dụng sự không hiểu biết về tin học của người đọc, người viết báo, và của mấy đồng chí bộ trưởng để lừa phỉnh họ. */

“Chúng tôi đã khống chế chứ không tấn công (attack) hay hack” (tuổi trẻ), đây là một câu tuyên bố đậm tinh thần BKIS. Việc BKIS đầu tiên tuyên bố “tấn công ngược” nay lại thay bằng chỉ “không chế chứ không tấn công” chứng tỏ rằng câu tuyên bố đầu tiên chỉ là 1 câu đánh bóng thương hiệu. Thật chất không có việc tấn công ấy.

/* Ở đây tôi muốn bài thêm về việc “khống chế”.*/

Thế nào là khống chế? Nếu server đó bảo mật kém, có thể không cần root, chỉ user bình thường thông qua dịch vụ web mà đọc được access log thì đó không gọi là khống chế. Đó gọi là may mắn.
Nếu server đó bảo mật bình thường, cần root mới đọc được access log, thì “khống chế” để đọc là một việc phạm pháp, và dù đã thay “tấn công ngược” thành “khống chế” đi chăng nữa thì nó cũng không thay đổi giá trị trong giới CNTT. Tiếc thay, người đọc bình thường không hiểu về tin học sẽ nghĩ, “àh, tất nhiên khống chế không có tội, chỉ có tấn công mới có tội chứ.”

/* Vấn đề thứ 2 tôi muốn bàn là về tính đúng đắn của sự việc. */

Việc một ai đó DDoS các trang web của US và KR là một việc lớn. Người làm ra nó tất cũng không phải tầm thường. Vì hiển nhiên một người bình thường không rành tin học thì còn chưa hiểu botnet là gì chứ đừng nói DDoS. Người đó đủ sức tạo ra 1 mạng botnet rộng lớn, đủ gan để DDoS US và KR, thì cớ gì lại thiếu những kiến thức cơ bản về proxy được. BKIS mới dò ra được node đầu tiên của mạng lưới proxy đã khoe ngay thành tích và xác định đó là master server là một điều sai lầm.

Tôi cũng hơi thất vọng khi mà BKIS tự hào có những bộ óc giỏi nhất trường BK lại có thể đưa ra một nhận định tệ vậy. (Tôi cũng từng là sinh viên BK). BKIS còn chưa biết là master server connect vào C&C thông qua bao nhiêu lớp socks bao nhiêu lớp proxies nữa là. Đó là chưa kể nguyên tắc cơ bản nhất của việc phá hoại là không bao giờ làm tại nhà riêng.

Những nơi đông người với wifi chung mới là nơi thủ phạm hoạt động. Đó cũng là lý do tại sao ít ai công bố thông tin trước khi điều tra xong, vì police họ cũng cần có thời gian sắp đặt bẫy để bắt đối tượng.

/* Trở về chủ đề là BKIS có công hay tội, theo tôi nghĩ, BKIS có cả công lẫn tội. */

BKIS có công tìm ra được proxy đầu tiên trong chuỗi proxy của master server.

BKIS có công quảng cáo cho CNTT Việt Nam. Các bạn phải thừa nhận một điều rằng không phải dân quốc tế ai cũng biết BKIS nổ. Họ đọc bài báo của KR, của US, và đều hoan hô BKIS và VN. Đồng nghiệp trong cty tôi còn khen sao VN giờ giỏi vậy. Tôi vừa tự hào, nhưng cũng vừa thấy buồn. Cũng may mà họ không ngồi phân tích các việc BKIS làm, chứ nếu không tôi cũng không biết trả lời như thế nào.

BKIS vừa có công giúp đỡ điều tra, nhưng cũng vừa có tội phá hoại điều tra. Có công vì đã tìm ra thêm thông tin (nhưng chưa chắc US và KR không biết—vì họ không công bố không có nghĩa họ không biết). Có tội vì không khiêm tốn mà phá vỡ các chiến lược điều tra của US và KR. Vấn đề này tội nặng hơn công.

Nói công bằng ra thì tội BKIS không nhiều bằng công quảng bá cho nền CNTT Việt Nam. Nhưng BKIS đang mắc phải một bản án lương tâm.

BKIS vô lương tâm. Trong vụ án em Bùi Minh Trí xâm nhập vào website bộ giáo dục, mặc dù em rất thiện chí, gửi mail cảnh báo lỗ hổng, chấm dứt đột nhập và cũng không lẩn trốn, BKIS tuyên bố em đó phạm luật. Thế nay, khi BKIS tuyên bố “tấn công ngược” (trước kia) “khống chế” (bây giờ), thì BKIS tuyên bố mình không phạm luật. Việc bóp méo sự thật, sẽ làm dân mất lòng tin vào luật.

BKIS vô lương tâm khi đẩy Việt Nam vào vòng nguy hiểm chỉ vì sự háo danh của họ. Mặc dù tôi cũng không tin sẽ có DDoS nhắm vào Việt Nam, nhưng vì háo danh mà gây nên hậu quả thì thật là tệ. Dù khả năng nhỏ nhoi thôi, nhưng nếu chỉ cần 1/10 hệ thống botnet kia mà redirect vào Việt Nam thì tôi bảo đảm mạng chỉ có mà sập thôi. Lúc đó thì hết vô ddth đặt topic complain nhé .

BKIS vô lương tâm khi làm mất mặt CERT Việt Nam. KR sau vụ này sẽ còn dám chia sẻ nhiều thông tin bảo mật cho Việt Nam nữa hay không? Sau vụ này các tổ chức quốc tế nói chung và APCERT nói riêng còn tin tưởng Việt Nam nữa không? Lần sau BKIS “begged” for malware họ có còn share nữa không? Việc BKIS qua mặt VNCERT như vậy cũng làm cho KRCERT mất lòng tin về đối tác VNCERT, nghĩ rằng VNCERT không có khả năng quản lý. Hậu quả “không nhìn thấy được” cho quốc gia không nhỏ.

Phát biểu của Vụ trưởng Đỗ Văn Lộc, “Tôi không rõ vì sao lại đặt ra vấn đề vi phạm luật của các chuyên gia Bkis khi không có khởi kiện.” (vnexpress, par. 13) làm tôi băn khoăn việc BKIS có đang được các bộ ngành “thương” quá nên không chú ý đến tội chăng? Vì sao phải có kiện mới xét chuyện phạm luật? Chẳng lẽ không ai kiện thì cứ việc phạm luật thoải mái sao? Mối quan hệ của BKIS với các cán bộ trên như thế nào, mà mỗi khi có công thì BKIS được nêu cao, còn có tội thì thông tin bị chìm nhanh chóng?

P.S: Tôi xin lỗi vì lâu ngày không có dùng ngôn ngữ của dân tộc nhiều nên chắc có lỗi chính tả hoặc câu cú, xin các bạn bỏ qua. Cũng lâu rồi không vào thăm lại ddth, mấy hôm nay thấy Vi Khoa để YIM status vui vui vào đọc chơi, thấy toàn tên mới, không còn ai quen cả, buồn quá .

( Một ý kiến của bạn KEM_WALL trên ddth.com link http://ddth.com/showthread.php?t=290162&page=17 )
Vụ “BKIS tìm thủ phạm” và an ninh mạng
24/07/2009 04:47 (GMT + 7)
(TuanVietNam) – Cần cách ứng xử khác qua vụ “BKIS tìm ra thủ phạm” tấn công vào mạng máy tính Hàn Quốc và Mỹ.

Dư luận nóng lên sau ngày 12/7/2009 khi BKIS (Trung tâm phần mềm và Giải pháp an ninh mạng, Đại học Bách khoa Hà Nội) thông báo trên trang web của mình rằng BKIS đã tìm ra “thủ phạm” (hai máy chủ đặt tại Anh) tấn công vào mạng máy tính Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu từ ngày quốc khánh Mỹ 4-7-2009. Báo chí thế giới và trong nước đồng loạt đưa tin về “thành tích” này.

Rồi ngày 16/7/2009 Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) đã có công văn gửi Đại học Bách Khoa Hà Nội rằng trung tâm đã nhận được khiếu nại của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Hàn Quốc (KrCERT) yêu cầu BKIS cải chính thông báo của mình.

Công văn của VNCERT có đoạn: “Việc BKIS thừa nhận tấn công và chiếm quyền điều khiển hai server (máy chủ) để tiến hành phân tích là vi phạm nghiêm trọng luật pháp Việt Nam và quốc tế. Cách BKIS công bố thông tin khiến công chúng hiểu rằng BKIS thực hiện các hành vi tấn công trái pháp luật và đồng thời gây nhầm lẫn là KrCERT và APCERT [Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính châu Á Thái Bình dương] cũng tham gia vào các hành vi phạm pháp này”. VNCERT yêu cầu Đại học Bách khoa báo cáo.

BKIS thì nói rằng mình hành xử đúng luật Việt Nam và luật quốc tế. Báo chí cũng đưa tin ngày 21-7-2009 BKIS có báo cáo chi tiết cho Đại học Bách khoa. Chưa có thông tin về báo cáo này.

Những người ủng hộ BKIS viện dẫn khoản 4 điều 43 của Nghị định 64/2007/NĐ-CP của Chính phủ, có nội dung “trong trường hợp khẩn cấp có thể gây sự cố nghiêm trọng hay khủng bố mạng, các cơ quan chức năng có quyền tổ chức ngăn chặn các nguồn tấn công trước khi có thông báo, sau đó lập biên bản báo cáo cho cơ quan điều phối ”, và cho rằng BKIS làm như thế là hợp pháp. Những người khác lại cho rằng liệu BKIS có là “cơ quan chức năng” trong khoản trên hay không để “có quyền ngăn chặn”. Nhiều người cũng chưa rõ liệu nghị định trên của Việt Nam có áp dụng với các máy chủ đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam hay không.

Tại các nước phát triển việc nghe lén, truy cập và “chiếm quyền” điều khiển như vậy là hành vi phạm pháp. Điều 226a của Bộ luật hình sự (sửa đổi) của Việt Nam cũng cấm những hành vi như thế. Các cơ quan chức năng chỉ được tiến hành việc như vậy khi có lệnh của tòa án. Tòa án nào? Tòa án của nước của người “chiếm quyền điều khiển” hay tòa án của nước mà máy tính bị chiếm quyền kiểm soát được đặt.

Tình hình còn phức tạp hơn nếu “tin tặc” ở một nước khác, nước B chẳng hạn, dùng bất hợp pháp máy chủ, thí dụ đặt tại nước A (Anh), để tấn công các máy ở Hàn Quốc và Mỹ. Thủ phạm thật ở đây là “kẻ phá hoại, tin tặc” ở nước B, liệu đã có ai biết “thủ phạm” đích thực này là những ai chưa? Nếu không khéo “người điều tra” có thể bị lên án là “tin tặc” chư chơi. Ai là “người điều tra”? Có phải bất cứ công ty tin học nào cũng có thể dựa vào điều khoản đã nói của Nghị định để can thiệp?

Câu hỏi cuối này chắc chắn có câu trả lời là “không”, nếu khác đi thì sẽ loạn vì ngay “cơ quan chức năng” cũng không được phép hành xử tùy tiện.

Có quá nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời xác đáng (và e rằng không thể có cho tất cả các câu hỏi). Trong hoàn cảnh như vậy nên ứng xử thế nào?

Trước hết, các nhà chức trách, các chuyên gia và xã hội dân sự nên tìm hiểu kỹ lưỡng hơn các quy định pháp lí hiện hành (kể cả luật pháp quốc tế) để cải thiện chúng nhằm tạo ra môi trường pháp lí minh bạch hơn, dễ lường hơn đối với mọi người và mọi tổ chức.

Thứ hai, làm việc nghĩa, tìm cách “truy tìm” kẻ xấu, kẻ thủ phạm là việc rất đáng khuyến khích. Nhưng việc này cũng phải tuân thủ những thủ tục pháp lí nhất định để tránh bị liên lụy đến những vấn đề rắc rối có thể kéo theo nhiều rủi ro khôn lường.

Thứ ba, làm việc nghĩa thì rất nên tránh “quảng cáo” rùm beng rằng tôi làm việc nghĩa đây, tôi làm từ thiện đây. Đáng tiếc ở Việt Nam còn có quá nhiều người như vậy và đôi khi báo chí lại tiếp tay “đánh bóng” cho họ qua các chương trình “từ thiện” hoành tráng.

Thứ tư, để tránh mang tiếng tự “quảng cáo” như vừa nêu trên cần rất cẩn trọng với thông tin do mình đưa ra. Có thể chủ định là tốt, nhưng hậu quả không lường trước của việc đưa thông tin lại có thể rất xấu, cho nên phải cận trọng và cân nhắc rất kỹ. Nếu không khéo thì lợi bất cập hại. Nhất là những thông tin liên quan đến an ninh mạng, đến các đối tác quốc tế, đến quá trình “đang điều tra” chưa kết thúc. Lẽ ra những thông tin như vậy nên được coi là thông tin “kín”, “nội bộ” giữa các tổ chức có liên quan (BKIS, VNCERT, KrCERT, …). Chỉ sau khi vụ việc đã kết thúc thì mới nên đưa thông tin loại như vậy ra công khai.

Tất cả những thông tin trao đổi như vậy đều lưu dấu vết trong hệ thống nên không ngại ai chanh mất “công trạng Lục Vân Tiên” của mình. Mà đã là Lục Vân Tiên thì chắc Lục Vân Tiên cũng không để ý đến “công trạng”.

Cuối cùng, các quan chức cũng nên thận trọng khi bình luận. Nói rằng phải đợi tổ chức có máy bị chiếm quyền kiểm soát kiện thì mới rõ, hay “tin tặc” kiện thì sẽ biết “tin tặc” là ai, “người bị hại (chủ quản lý hai server được cho là bị tấn công) cũng chưa có khiếu nại”, “chưa có chứng cớ”.v.v., nên cứ bình chân như vại, là chưa cẩn trọng. Họ thường đưa ra ý kiến hơi thiên vị hay né tránh đưa ra ý kiến. Chưa có ý ‎kiến gì đôi khi cũng là ‎ ý kiến rất có ‎ nghĩa!

An ninh, an toàn, rủi ro là những thứ liên quan đến nhau. Những người làm công việc an ninh, nhạy cảm, liên quan đến nhiều người khác, chắc phải am hiểu các biện pháp phòng ngừa rủi ro cho chính mình, cho đơn vị mình, cho các đối tác của mình, khách hàng của mình. Không khéo thì gây rủi ro khó lường cho chính mình, cho các đối tác, thậm chí cho cả đất nước.

Thế giới thay đổi rất nhanh, để hội nhập thành công chúng ta cũng cần thay đổi cho phù hợp để trở nên ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Và còn có thể rút ra bao bài học khác từ sự kiện “nhỏ” nhưng hoàn toàn “không nhỏ” và khá tế nhị, “lùng nhùng” này.

( bài cùa TS Nguyễn Quang A trên Tuần Việt Nam link  Vụ “BKIS tìm thủ phạm” và an ninh mạng )


Một số chi tiết ngoài lề về thân thế của Nguyễn Tử Quảng
Được gửi bởi NDL View Post
———————————————————————
Thế này thì báo cáo gì? Báo cáo ai hả bác?Đau hết cả diều rồi!!!
————————————————————————-
Thế này các bác ạ: sếp em bảo chúng mày lên google, search hộ tao mấy cái tên này:

– Nguyễn Tử Cương ( Nafiquaved-Bộ Thủy sản – giờ là bộ NN PT NT – Mỗi năm xuất khẩu gần 4 tỷ USD, mà có xuất khẩu được hay không phụ thuộc ông này, sếp em bảo bên này đại diện FDA- Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật – mấy cơ quản quản lý thức phẩm gì đấy? chả biết có đúng không em tin sếp em.).
– Nguyễn Tử Nhật ( Bộ KHĐT- có được tiền đầu tư hay không phụ thuộc ông này, em lại phải tin sếp em.).
– Nguyễn Tử Dũng ( ĐH BKHN, Chủ tịch HĐQT kiêm hiệu trưởng Cao đẳng Kỹ thuật – CN Bách Khoa, đào tạo thế hệ sau phải nhờ ông này, em lại tin sếp em.).
– Nguyễn Tử Siêm ( Bộ NN PTNT….).
– Nguyễn Tử ***X ( Đồng chí này ở Văn phòng chính phủ, Bác Khải, bác Dũng có duyệt không thì ông này lo – chả trách bán được BKIS cho VPQH, VNA, VNPT, …, em lại tin sếp em.).
– Nguyễn Tử Quảng. ( Quảng bom – ông này chế tạo bom, em lại tin sếp em và tin các bác ở đây.)!
– Nguyễn Tử****
( ông này chưa có tên bao giờ có tên em sẽ báo cáo ddth học ạ ( nhưng mà tin các bác xong các bác lại bảo em bị chửi là đúng thì hóa ra các bác còn tệ hơn Tử Quảng)

Hóa ra là toàn ma TO!

Xem có đáng để mua BKAV không????— Bản chất vấn đề là ở ĐÂY!

Em search rồi, sợ sếp đuổi việc nên không cãi sếp nữa.

Và đây là giọng của ông “lớn” có gang có thép
Nguyễn Tử Quảng: “Bkis đang cân nhắc kiện VNCERT”


Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Bkis nói đang xem xét khởi kiện VNCERT. Nguồn: Bkis

ICTnews – Chiều nay, trả lời phóng viên ICTnews qua điện thoại, ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Bkis nói đang làm việc với công ty luật để xem xét khả năng khởi kiện VNCERT.

Bài liên quan:
>> Bộ TT&TT chính thức lên tiếng về vụ Bkis
>> Tại sao VNCERT nhắc nhở khẩn Bkis?
>> Bkis phát hiện “đầu não” hack website Hàn Quốc
>> Bkis đã cung cấp thông tin cho chính phủ Mỹ, Hàn
>> Vụ Bkis: “nóng ran” cư dân mạng
>> Chuyện Bkis: quá đà

Lý do tiến hành khởi kiện Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), theo ông Quảng, “là vì công văn nhắc nhở của VNCERT đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Bkis”.

Trung tâm An ninh mạng Báck khoa (Bkis) đã làm khảo sát, nhận thấy nhiều người không hiểu biết ngọn nguồn sự việc vẫn cứ nghĩ rằng Bkis đã phạm luật khi tấn công chiếm quyền kiểm soát hai máy chủ ở Anh – được cho là nguồn gốc điều khiển các cuộc tấn công vào các trang web của Hàn Quốc và Mỹ, ông Quảng nói.

Trong khi đó, ông Quảng thời khẳng định Bkis hoàn toàn đúng luật trong quá trình truy tìm nguồn gốc cuộc tấn công vào các trang web Hàn Quốc và Mỹ. “Chúng tôi tìm hiểu rất kỹ và cũng rất hiểu luật khi tham gia vào các vấn đề an ninh mạng quốc tế”, ông Quảng nói.

Theo ông Quảng, Bkis hôm nay đã làm việc với công ty luật để nhờ tư vấn, xem xét khả năng khởi kiện VNCERT. “Việc khởi kiện chỉ còn chờ tư vấn của công ty luật, khả năng khởi kiện là cao”, ông Quảng nói.

Nhóm PV

http://www.ictnews.vn/Home/bao-mat/N…19974/View.htm

P/S:  Xin phép tác giả của bài viết trích dẫn câu nói “Quẩn quanh cái “ao làng” Tin học Việt Nam, dù tài giỏi đến đâu và tìm mọi cách nổi tiếng hay dọa nạt người yếu sau lũy tre mà không hiểu về thế giới phẳng thì khó mà được thừa nhận, đôi khi bị vạ lây hoặc bị coi thường. Đó mới thực sự là uổng phí chất xám và nguyên khí quốc gia.” trong bài http://www.baomoi.com/Home/CNTT/www.tienphong.vn/Uong-phi-chat-xam/2984269.epi

09
Th7
09

Lấy tiền đâu ra để kích thích nền kinh tế?

(TuanVietNam) – Để thực hiện các gói kích thích kinh tế lên đến 145 ngàn tỷ đồng như dự kiến của Chính phủ, tương ứng với các khoản mục bên chi (chi kích thích vào đâu và bao nhiêu) thì cần đến các nguồn (thu) cân đối đảm bảo cho các khoản chi này.

>> Chi ngân sách phải cân đong như bà nội trợ

Về bên chi, Phó Thủ tướng thường trực đã báo cáo trước Quốc hội rằng gói kích cầu gồm: giảm thuế 28 ngàn tỷ; hỗ trợ lãi suất 17 ngàn tỷ; tăng đầu tư công hơn 90 ngàn tỷ; và bổ sung an sinh xã hội gần 10 ngàn tỷ đồng (tổng cộng là 145 ngàn tỷ đồng bằng 9% GDP).

Ngoài khoản 28 ngàn tỷ giảm thuế được tự động cân đối, coi như thu 28 ngàn tỷ và chi đúng 28 ngàn tỷ đó cho những người và tổ chức đóng thuế, và 17 ngàn tỷ hỗ trợ lãi suất được nói là lấy từ nguồn dự trữ (ngoại hối), thì đáng tiếc phần các nguồn còn lại 100 ngàn tỷ cho đến nay vẫn chưa rõ lấy từ đâu.

Chính phủ dự kiến phát hành trái phiếu để vay của dân 27,7 ngàn tỷ.
Ảnh: inteves.com

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 37,2 ngàn tỷ là các khoản ứng trước xây dựng cơ bản mà Ngân hàng Thế giới cho là “trên thực tế” là “các nguồn lực sẽ được phân bổ lại từ các dự án kém hiệu quả” tức là chưa rõ có phải là khoản “tăng thêm” hay là khoản đã dự trù trong kế hoạch có sẵn ngoài kích cầu?

Khoản thu hồi vốn đầu tư XDCB ứng trước chưa thực hiện 3,4 ngàn tỷ cũng vậy; khoản này ngân hàng Thế giới cho là “tương đương với việc chi tiêu các khoản vốn đã có” chứ chưa hẳn là khoản thêm cho “kích cầu”. Tổng hai khoản này là 40,6 ngàn tỷ đồng.

Như thế còn phải làm rõ nguồn của phần 59,4 ngàn tỷ đồng còn lại. Chính phủ dự kiến phát hành trái phiếu để vay của dân 27,7 ngàn tỷ, như thế vẫn phải cần 31,7 ngàn tỷ đồng các nguồn tài chính bổ sung nữa.

Việc phát hành trái phiếu Chính phủ hay bảo lãnh cho các doanh nghiệp quốc doanh phát hành trái phiếu để lấy tiền đầu tư hay kích cầu là một giải pháp mà chính phủ dự tính hay đã thực hiện một phần. Nhưng việc này xem ra không đơn giản.

Các lần đấu giá trái phiếu trong nước gần đây đều thất bại, còn phát hành trái phiếu ra nước ngoài thì theo báo cáo nêu trên của Ngân hàng thế giới là “điều khó xảy ra trong bối cảnh toàn cầu hiện nay”. Tại sao vậy?

Trái phiếu phát hành không thành công ở trong nước chủ yếu do lãi suất không hấp dẫn người mua. Các ngân hàng thương mại đang huy động VND với lãi suất lên đến 9%/năm trong khi mua trái phiếu chỉ được tối đa 8,8%/năm (trần lãi suất đưa ra đấu thầu), hiển nhiên không ngân hàng nào lại chịu lỗ để đi mua trái phiếu chính phủ hay trái phiếu doanh nghiệp nhà nước được Bộ Tài chính bảo lãnh.

Với thời hạn 2-3 năm nếu lãi suất không hơn 9,5%/năm thì chắc chắn các đợt đấu thầu tới cũng sẽ thất bại. Nếu tăng lãi suất trái phiếu lên 10,5%/năm mà các doanh nghiệp đang có thể vay thì chắc chắn việc phát hành sẽ thành công vì các ngân hàng sẽ đổ xô đi mua trái phiếu.

Nếu Nhà nước phát hành trái phiếu qua kho bạc cho mọi người dân và tổ chức có thể mua (chứ không chỉ cho các ngân hàng) thì sẽ góp phần đẩy lãi suất lên cao nữa do kho bạc sẽ cạnh tranh với ngân hàng mà điều này thì nên tránh. Đấy là chưa nói sẽ có thể có doanh nghiệp vay bù lãi suất 6,5% để mua (có thể hợp pháp hóa qua người thứ ba) và hưởng lời 4%.

Khó khăn trong phát hành trái phiếu có thể lại là điều hay chứ chưa chắc là điều dở. Ảnh: taichinh24h.com

Việc phát hành trái phiếu ở nước ngoài cũng rất khó khăn. Cũng đã có quyết định phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ. Với lãi suất cỡ 3-3,5%/năm chắc các ngân hàng sẽ nhiệt tình hưởng ứng. Song tôi nghĩ việc này chưa hẳn đã là hay, có nhiều hệ lụy khó lường và nên rất cẩn trọng. Nhưng khó khăn trong phát hành trái phiếu có thể lại là điều hay chứ chưa chắc là điều dở. Vì sao?

Rất nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cũng như nhiều đại biểu Quốc hội lo về hiệu quả sử dụng vốn (do phát hành trái phiếu mang lại hay vốn từ ngân sách nói chung). Cách đây mấy tháng ông K’so Phước đã lên tiếng rằng đừng ném tiền (trái phiếu chính phủ) vào thùng rỗng.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nói trên cho rằng “nhà nước nắm giữ một lượng tiền mặt lớn bất thường, dưới dạng tiền gửi ở các ngân hàng thương mại quốc doanh”. “Ở các quốc gia công nghiệp, tài khoản nhà nước thường giữ tiền mặt không quá 1% GDP. Nhưng các tài khoản nhà nước có đến 86 nghìn tỷ VND tiền mặt gửi trong hệ thống ngân hàng thương mại”. Con số này lớn hơn 5,3% GDP.

Nếu sử dụng khéo khoản này (thí dụ giảm xuống một nửa, tức là vẫn cao hơn mức của các nước công nghiệp đến hơn 2,6 lần) thì hiệu quả sử dụng vốn cao hơn hẳn và chắc đâu đã cần huy động thêm qua trái phiếu?

Cầu Thanh Trì (ảnh trên). Cầu Thủ Thiêm (ảnh dưới). Ảnh: panoramio.com; chieusang.com

Thứ đến là cung cách chi tiêu còn quá kém hiệu quả. Chỉ nhìn vào cầu Thanh trì đã thông xe mấy năm nay nhưng hệ thống đường dẫn và đường kết nối vẫn chưa xong (phần bên phía nam vào nội thành còn lâu mới mới mở rộng được) làm cho nhiều ngàn tỷ đồng đã đầu tư vẫn chưa phát huy tác dụng tốt.

Nhìn vào cầu Thủ Thiêm ở Hồ Chí Minh cũng vậy. Còn bao nhiêu dự án khác đã mua xong “con trâu” mà loay hoay mãi chưa mua được “khúc dây chạc”! Lãnh phí ấy đã có ai tính chưa?

Việc giải ngân ODA cũng vậy. Ngân hàng ADB than phiền trong báo cáo của họ tại hội nghị trên rằng chỉ riêng ADB còn hơn 3,5 tỷ USD (gần 64 ngàn tỷ VND, lớn hơn 59,4 ngàn tỷ mà chúng ta loay hoay đi tìm nguồn ở trên) ODA đã cam kết nhưng chưa giải ngân được! Và chậm giải ngân sẽ gây tổn thất lớn.

Nếu giải ngân được hết khoản này thì chẳng cần phải tìm thêm nguồn mới, chẳng cần phát hành trái phiếu. Mà ODA đâu chỉ có ADB cung cấp. Giải ngân ODA “vừa hỗ trợ gói kích cầu, vừa cải thiện cán cân thanh toán” như Ngân hàng Thế giới kiến nghị.

Có thể thấy rất nên thận trọng với các gói kích cầu, nên dừng bù lãi suất như chúng tôi đã kiến nghị và cũng chẳng nên hăm hở phát hành trái phiếu. Nên suy ngẫm lại và quan trọng nhất vẫn là sử dụng hiệu quả các nguồn vốn sẵn có hay đã được cam kết chứ không phải chạy vay thêm số lượng và chi tiêu phi hiệu quả.

  • TS. Nguyễn Quang A
26
Th5
09

Không nên ngầm hiểu mù quáng các lời khuyên của P.Krugman

(TuanVietNam)- “Hết sức cảnh giác cả với kích cầu lẫn lạm phát và không nên tách ý kiến (rất xác đáng của Gs. Krugman) ra khỏi ngữ cảnh mà ông phát biểu rồi “ngầm hiểu” một cách “mù quáng” vào hoàn cảnh Việt Nam”- TS. Nguyễn Quang A.

Gs. Paul Krugman chỉ nói đã có những dấu hiệu (tốc độ sụt giảm đã chậm lại, mức tăng thất nghiệp ở Mỹ trong vài tháng qua đã không còn cao như các tháng trước, …) cho thấy khủng hoảng tiến dần (sắp) đến đáy và ông hy vọng vậy. Ảnh Ca Hảo

Giáo sư Paul Krugman nhà kinh tế học tài ba, chủ nhân duy nhất của giải Nobel kinh tế năm 2008, nhà cảnh báo khủng hoảng đã đến Việt Nam chiều 20-5-2009. Hôm sau ông đã có một ngày bận rộn trong hội thảo “Tìm kiếm cơ hội và giải pháp trong khó khăn và khủng hoảng” tại Hồ Chí Minh, nơi ông là người thuyết trình duy nhất.

Ngày 22-5-2009 tại Hà Nội ông đã trao đổi với các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách cấp cao và Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm. Báo chí trong nước đưa tin khá nhiều. Nào là ông nói “khủng hoảng đã đến đáy”, cần “tăng gấp đôi gói kích cầu”, “lạm phát không đáng lo ngại”, v.v. Tôi nghĩ cần cẩn trọng với cách đưa tin như vậy bởi vì khi đưa tin tách khỏi ngữ cảnh thì rất dễ gây ra hiểu nhầm.

Không nên hiểu lầm

Là một học giả lớn, ông rất thận trọng khi đưa ra nhận xét của mình.

Ngồi nghe ông suốt ngày tôi chưa thấy ông nói lần nào rằng khủng hoảng ĐÃ đến đáy, nếu tôi hiểu đúng ông, ông chỉ nói đã có những dấu hiệu (tốc độ sụt giảm đã chậm lại, mức tăng thất nghiệp ở Mỹ trong vài tháng qua đã không còn cao như các tháng trước, …) cho thấy khủng hoảng tiến dần (sắp) đến đáy và ông hy vọng vậy. Nhưng mối lo là khi đạt đáy thì có tăng trở lại hay cứ luẩn quẩn ở đáy đó một thời gian dài.

Trong ngữ cảnh đó, ông nhắc tới gói kích cầu của Mỹ (cỡ 2,5% GDP) và các chính sách kích thích chưa đồng bộ của các nước EU có thể là không đủ để đưa nền kinh tế toàn cầu bứt khỏi cái đáy đó (có thể luẩn quẩn ở đó đến 5 năm) và ông nghĩ nên tăng gói kích cầu lên gấp đôi. Ông cũng giải thích khá kỹ nếu nhà nước vay tiền để chi cho các khoản kích thích, thì (trong ngắn hạn) cách làm đó không gây lạm phát và ông cũng nói rất rõ là không phải chính phủ Mỹ “in” tiền để làm việc đó (như một vài báo đưa tin ngày hôm sau).

Ông cũng nói về nguy cơ giảm phát và lạm phát không phải là điều đáng lo ngại (trên thế giới nói chung và nhất là ở các nước phát triển: tại Mỹ số liệu ngày 15-5 cho thấy lạm phát ở Mỹ là -0,7%, tức là đang giảm phát). Trong bối cảnh đó quả thực lạm phát không đáng lo ngại. Có thể nói những nhận xét của Gs. P. Krugman là rất xác đáng. Tuy nhiên, khi đưa tin nhiều báo thường quên mất ngữ cảnh mà lời nhận xét được đưa ra.

Gs. Krugman đến Hà Nội để học hỏi với tư cách columnist

Khi được hỏi về lời khuyên cho hay nhận xét về Việt Nam, Gs. Krugman rất thận trọng. Ông nói, mới ở Việt Nam chưa quá 24 giờ và chủ yếu trong khách sạn nên ông không thể khuyên gì, ông ra Hà Nội để học hỏi với tư cách một columnist, một nhà báo, chứ không phải như một nhà tư vấn chính sách. Sự khiêm tốn và thận trọng đáng kính từ một nhà khoa học lớn. Thế nhưng cách đưa tin của một vài báo Việt Nam (tách lời nói khỏi ngữ cảnh) có thể gây hiểu lầm.

Cách đưa tin của một vài báo Việt Nam (tách lời nói khỏi ngữ cảnh) có thể gây hiểu lầm những lời khuyên của Gs. Paul Krugman.

Hiểu lầm thứ nhất có thể xảy ra khi ông nói cần tăng gấp đôi gói kích cầu (của Mỹ và EU hay Nhật Bản). Có thể có người sẽ nghĩ ta cũng nên làm vậy. Hãy thận trọng, ở ta tổng “gói kích cầu” như được công bố phải ở cỡ trên 10 % GDP, mức thuộc loại cao nhất thế giới. Mặt khác chúng ta nghiện “kích cầu” suốt 10 năm rồi (trong 10 năm đó chỉ có giai đoạn 4-2008 đến 11-2008 là giai đoạn “siết”, còn toàn bộ phần thời gian còn lại là “kích”).

Chính việc say kích cầu này đã là một trong những nguyên nhân chính gây ra những bất cân đối vĩ mô trầm trọng vừa qua và những bất cân đối đó vẫn còn nguyên. Những bất cân đối vĩ mô trong thời gian dài đó đã làm cho lạm phát lên mức rất cao trong năm qua (gần 20% vào cuối năm 2008 so với cuối 2007).

Khủng hoảng toàn cầu làm cho tình hình lạm phát ở ta dịu đi đôi chút, nhưng mức lạm phát của 5 tháng đầu năm 2009 so với 5 tháng đầu năm 2008 vẫn ở mức 2 con số là + 11,59% (chứ không phải là một số âm như ở Mỹ). Nói cách khác lạm phát ở ta vẫn cao. Với chính sách tiền tệ nới lỏng và say kích cầu như hiện nay có thể vài tháng tới lạm phát vẫn chưa, nhưng cuối năm hay sang năm 2010 có thể lạm phát lại bùng phát.

Như thế phải hết sức cảnh giác cả với kích cầu lẫn lạm phát và không nên tách ý kiến (rất xác đáng của G.s Krugman) ra khỏi ngữ cảnh mà ông phát biểu rồi “ngầm hiểu” một cách “mù quáng” vào hoàn cảnh Việt Nam. Làm thế sẽ rất nguy hiểm. Hy vọng các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đủ tỉnh táo để không hiểu nhầm như vậy. Và các báo cũng nên cẩn trọng khi đưa tin kẻo có thể gây ra hiểu lầm chết người.


  • TS. Nguyễn Quang A

05
Th5
09

Tác động hỗ trợ đầu tư của Nhà nước đối với sản xuất kinh doanh

https://i0.wp.com/www.kls.vn/Images/ContentImages/200804/b49a7259-294d-4c7c-bb55-f841ff582787.jpg

Báo cáo tại Tọa đàm “Sử dụng chính sách tài chính, tiền tệ kích cầu đầu tư và tiêu dùng” do Ủy Ban Tài Chính- Ngân sách của Quốc Hội tổ chức, Hà Nội 29-4-2009. Trong đó điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam trong hơn 10 năm qua, nhất là tác động của cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997. Sau đó báo cáo cho cái nhìn sơ bộ của người viết về các chính sách kích thích kinh tế của nhà nước đưa ra từ tháng 12-2008 đến nay.

I. Nhìn lại vài chỉ số

Kích cầu không phải là chuyện mới ở Việt Nam. Khoảng mười năm trước chúng ta cũng đã nói nhiều đến kích cầu để khắc phục ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính Châu Á. Chính sách kích cầu tường minh hay ngầm định đã được duy trì liên tục trong thời gian qua cho đến tận tháng 3-2008; từ tháng 3-2008 trọng tâm chính sách kinh tế chuyển sang chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô cho đến tháng 11-2008; và từ tháng 12-2008 đến nay trọng tâm là chính sách kích thích. Và hình như việc quá say sưa với kích cầu, kích thích tăng trưởng đã là một nguyên nhân chính tạo ra những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nhiều năm qua.

Những căng thẳng bất ổn vĩ mô lên đến mức rất nguy hiểm, nhất là từ nửa cuối năm 2007 đến hết năm 2008. Do chính sách chống lạm phát và tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nên lạm phát đã theo hướng dịu đi, tuy nhiên những bất ổn vĩ mô đã tồn tại từ lâu vẫn còn nguyên đó. Tăng trưởng dựa nhiều vào tăng đầu tư, chất lượng tăng trưởng kém, thâm hụt thương mại tăng nhanh, bội chi ngân sách cao và kéo dài (liên tục ở mức từ 3,5 đến gần 5% của GDP) dẫn đến những khó khăn về cán cân thanh toán, tăng nợ nần và lạm phát tăng cao. Bảng sau minh họa tình hình đó.

Bảng 1: Mức tăng (%) hàng năm về GDP, đầu tư (I), tiêu dùng cuối cùng (C); thâm hụt cán cân thương mại/GDP: Td (%), mức lạm phát so với năm trước: inf (%)

Nguồn: Tổng cục thống kê
Có thể thấy trừ năm 1999 (2 năm sau khủng hoảng 1997) còn tất cả các năm tốc độ tăng trưởng đầu tư (I) đều cao hơn tăng trưởng GDP (từ 1,3 đến 15,7 điểm phần trăm!). Năm 1998, một năm sau khủng hoảng, đầu tư vẫn tăng nhiều, tiêu dùng vẫn tăng vừa phải và mức tăng GDP chỉ còn 5,67%. Một năm sau (1999) cả đầu tư lẫn tiêu dùng tăng rất chậm (1,2 và 1,79%) và tăng GDP chỉ còn 4,77%. Năm sau nữa (2000) GDP mới vượt qua đáy và bắt đầu lấy đà tăng trở lại và lưu ý thâm hụt thương mại tương đối thấp (dưới 2,5% GDP năm 2000 và 2,28% GDP năm 2001). Các năm sau (2001-2007) mức tăng đầu tư cao hơn tăng GDP nhiều, tăng tiêu dùng cũng nhanh và thâm hụt thương mại cũng tăng nhanh. Có thể nói khủng hoảng tài chính 1997 ảnh hưởng vào nước ta chậm nhưng ảnh hưởng kéo khá dài. Hy vọng điều đó không lặp lại với cuộc khủng hoảng hiện thời.

Để có khung khổ nhìn nhận các chính sách, có lẽ nên nhắc lại vài khái niệm cơ bản và xem xét số liệu cụ thể. Đầu tiên là định nghĩa về tổng cầu, cũng như một cách tính GDP.

Theo định nghĩa, tổng thu nhập trong nước (GDP) là tổng giá trị của tất cả các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được tạo ra trong một nước trong một năm. GDP có thể được tính theo ba cách, theo phương pháp chi phí GDP được tính như sau:

GDP = I + (G + C) + (X-N) = (TSCĐ+ Thay đổi tồn kho) + (Tiêu dùng cuối cùng của nhà nước + Tiêu dùng cuối cùng của cá nhân) + ( Xuất khẩu – Nhập khẩu)

Bảng 2 cho ta thấy cơ cấu sử dụng tổng sản phẩm trong nước của Việt Nam trong giai đoạn 1995-2007.

Bảng 2: Cơ cấu sử dụng tổng sản phẩm trong nước (% của GDP)

Nguồn: Tổng cục thống kê
Có thể thấy từ năm 1999, khi kinh tế bắt đầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á, tỷ lệ tổng đầu tư tăng rất nhanh (I tăng từ 27,63% GDP lên 41,65% GDP, trong đó phần tích lũy tài sản cố định cũng tăng nhanh, đồng thời tỷ lệ thay đổi tồn kho cũng tăng mạnh từ 1,96% GDP lên 4,51% GDP); tổng tiêu dùng (G+C) giảm; nhập siêu tăng ở mức đáng báo động.

Nhìn từ bức tranh chung trong thời gian dài có thể cho chúng ta nhiều gợi ý chính sách bổ ích để kích thích tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như xem xét hiệu quả của nền kinh tế.

Hai mươi năm qua Việt Nam đã có tiến bộ lớn trong đo lường các số liệu kinh tế, tuy nhiên các số liệu của Tổng cục Thống kê công bố vẫn còn nhiều thứ chưa thực sự đầy đủ theo chuẩn mực quốc tế. Một thí dụ là khái niệm vốn đầu tư.

Theo chuyên gia thống kê Bùi Trinh, chúng ta sử dụng thuật ngữ chưa được rõ ràng và các số liệu thống kê cũng vậy, nên làm cho việc so sánh gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tư (Investment: I) là phần sản lượng được tích lũy nhằm tăng năng lực sản xuất tương lai của nền kinh tế (tương đương với mục tích lũy tài sản trong các số liệu của Tổng cục Thống kê). Còn vốn (hay tư bản – capital: K) tại một thời điểm nào đó được định nghĩa bằng giá trị tổng các đầu tư qua các năm, tính đến thời điểm đó. Hệ thống thống kê Việt nam đưa ra chỉ tiêu “vốn đầu tư…”, chẳng phải là vốn (K) cũng không hoàn toàn là đầu tư (I), thực chất chỉ tiêu “vốn đầu tư” ở đây là nguồn tiền bỏ ra trong một năm của các thành phần kinh tế nhằm mục đích đầu tư nhưng chưa chắc đã đi vào sản xuất, điều này được thể hiện qua số liệu trong bảng 3.

Bảng 3: Sự khác biệt giữa Vốn đầu tư và Tích lũy tài sản (theo giá 1994, ngàn tỷ đồng)

Có thể thấy phần của tổng số tiền bỏ ra cho mục đích đầu tư thực sự tạo ra tích lũy tài sản ngày càng giảm (từ hơn 80% xuống 65%) và phần chênh lệch (không rõ đi đâu hay tạo ra cái gì) ngày càng tăng (từ 17,7% lên 35%!). Có lẽ cơ quan Thống kê nên làm rõ để giúp việc nghiên cứu và so sánh quốc tế được dễ dàng hơn. Chính từ sự chưa rõ ràng này về khái niệm cũng như chỉ tiêu thống kê, nên một số đo hiệu quả là ICOR cũng được tính toán theo nhiều cách chưa chuẩn xác và làm cho so sánh quốc tế rất khó khăn.

Bùi Trinh đã tính toán ICOR cho giai đoạn 2000-2007 dựa vào các số liệu của Tổng cục Thống kê và số liệu điều tra doanh nghiệp để ước lượng K theo công thức:

K(t) = K(t-1) – σ K(t-1) + I (t).
Trong đó K(t) là vốn của năm t, σ là tỷ lệ khấu hao tài sản cố định và I(t) là lượng đầu tư hàng năm.

Và hệ số tăng vốn sản lượng (Increase Capital – output ratio) được tính theo:

ICOR = ( K(tn)-K(t0)) / (GDP (tn)-GDP(t0))

Bùi Trinh ước lượng vốn, K, dựa trên chuỗi số liệu về đầu tư/tích luỹ theo giá so sánh và và tỷ lệ khấu hao từ điều tra doanh nghiệp. Bảng 4 và 5 là kết quả tính toán hệ số ICOR từ cách tiếp cận này. Hệ số ICOR được tính cho tổng nguồn tiền bỏ ra để đầu tư (“vốn đầu tư”) và lượng đầu tư thực tế đi vào sản xuất.

Nếu xét hiệu quả đầu tư từ tổng số tiền bỏ ra trong năm –“vốn đầu tư” cho thấy để tăng một đồng GDP cần bỏ ra 5,2 đồng vốn, hiệu quả đầu tư của Việt Nam trong giai đoạn 2000-2007 vào loại thấp nhất thế giới kể cả trong giai đoạn trước đây (1970-1984). Việc nguồn tiền đầu tư kém hiệu quả (5,2) là do đầu tư không hiệu quả của khu vực nhà nước (7,8) và khu vực đầu tư nước ngoài (5,2), trong khi khu vực kinh tế tư nhân trong nước tỏ ra rất hiệu quả khi bỏ ra 3,2 đồng vốn đã tạo ra một đồng giá trị tăng thêm (hơn khu vực nhà nước 2,44 lần, hơn khu vực FDI 1,63 lần).

Một điều thú vị là khi xét đến nguồn tiền đầu tư trực tiếp đến được với sản xuất (thông qua chỉ tiêu tích luỹ tài sản-Capital Formation), bảng 5, thì hiệu quả đầu tư của toàn nền kinh tế là khá tốt, chỉ 3,5 đồng vốn đã có được một đồng tăng lên của GDP, và khu vực kinh tế tư nhân vẫn là khu vực làm ăn hiệu quả nhất (hơn khu vực nhà nước 2,23 lần; hơn khu vực FDI 1,95 lần)[1].

Trong mọi trường hợp, chúng ta thấy khu vực tư nhân trong nước hiệu quả nhất, rồi đến khu vực FDI (kém khu vực tư nhân trong nước từ 1,63 đến 1,95 lần tùy theo cách tính) và kém nhất là khu vực nhà nước (kém khu vực tư nhân trong nước từ 2,23 đến 2,44 lần tùy theo cách tính). Tính toán này có thể có mang những hàm ý chính sách rất quan trọng.

Trên cơ sở bức tranh tổng quát trên, chúng tôi sẽ đưa ra những nhận xét sơ bộ về tác động hỗ trợ đầu tư của nhà nước đối với sản xuất kinh doanh.

II. Nhìn nhận về tác động hỗ trợ đầu tư của nhà nước đối với sản xuất kinh doanh

Nói chung các chính sách đều phải được đánh giá trên cơ sở tính hiệu quả của chúng (xem có đạt mục tiêu kinh tế, xã hội đề ra với chi phí thấp nhất hay không). Đáng tiếc các nhà hoạch định chính sách ở ta thường không đưa ra các mục tiêu thật rõ ràng có thể định lượng được, nên khó đánh giá, vả lại các tác động chính sách là rất phức tạp và có nhiều hệ quả khó lường trước và việc đánh giá thỏa đáng cần thời gian dài nên tất cả những nhận xét về tác động trong vài tuần đầu hay vài tháng đầu thực hiện một chính sách chỉ có thể là sơ bộ, định tính và có khả năng không chính xác. Cần thận trọng với những đánh giá như vậy và rất cần thảo luận rộng rãi nhằm góp phần hiệu chỉnh cho phù hợp. Trên tinh thần đó, phần này chỉ đưa ra những nhận xét chủ quan, sơ bộ nhằm mục đích góp ý cho thảo luận.

Trước hết, hãy xem xét các tiêu chí khả dĩ cũng như định hướng của các biện pháp chính sách.

Cần phân biệt rõ hai thứ liên quan nhưng tách biệt nhau: Các chính sách cải tổ nền kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế mang tính trung và dài hạn; và các chính sách kích thích mang tính ngắn hạn, khẩn cấp nhằm khơi thông bế tắc do khủng hoảng gây ra trong nền kinh tế.

Thiết nghĩ cần xem xét một số tiêu chuẩn để lựa chọn chính sách mà dưới đây chỉ là vài gợi ý.

Tổng cầu (Y) (giống như cách tính GDP nêu ở trên), theo định nghĩa là: Tổng cầu = Tiêu dùng + Đầu tư + Chi tiêu của Chính phủ + (xuất khẩu – nhập khẩu). Để tăng tổng cầu có thể tăng tiêu dùng cuối cùng của người dân, tăng đầu tư, tăng chi tiêu chính phủ và giảm nhập siêu (tăng xuất giảm nhập).

Hiệu quả kích cầu của một chính sách là tác động tăng tổng cầu của nó và như thế có thể khác với hiệu quả kinh tế.

Tính hiệu quả của kích cầu được hiểu là: 1 đồng dùng vào kích cầu tạo ra bao nhiêu đồng (còn gọi là hệ số nhân) trong tổng cầu của nền kinh tế. Hệ số càng lớn hiệu quả càng cao. Người có thu nhập thấp, nghèo thường chi tiêu phần lớn thu nhập cho các nhu cầu thiết yếu. Hàng họ mua kích thích các nhà sản xuất hàng thiết yếu. Các nhà sản xuất lại mua nguyên liệu của các nhà sản xuất khác, v.v. Hệ số nhân của những người nghèo và thu nhập thấp là lớn, tức là, kích cầu cho họ sẽ hiệu quả.

Ngược lại 1 đồng kích cầu bằng cách miễn thuế cho người giàu (người phải đóng thuế thu nhập cá nhân) có hiệu quả ít hơn. Có cách đo lường và ước tính hiệu quả kích cầu và nên đo lường như thế để làm cơ sở cho hoạch định hay thảo luận chính sách. Đại loại kích cầu hiệu quả nếu nó có tác động nhanh (kịp thời), đảm bảo hay tạo ra nhiều công ăn việc làm, có độ lan tỏa nhanh và lớn (hệ số nhân lớn) [2], nói cách khác là tạo ra nhiều cầu hơn, thúc đẩy cải thiện cán cân thương mại (tăng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước và giảm nhập siêu). Sau đó có thể tính đến các tiêu chí khác như hiệu quả kinh tế, hỗ trợ hay không cản trở các nỗ lực cải cách dài hạn v.v.

Bảng sau liệt kê một số ngành hàng có độ lan tỏa (backward linkage) lớn nhất (trong số các ngành hàng có độ lan tỏa lớn hơn 1, theo tính toán của Bùi Trinh và các cộng sự dựa trên bảng I/) 2005). Hai cột sau liệt kê một vài ngành hàng trong số có độ nhạy (fordward linkage) lớn hơn 1.

Đáng lưu ý, và rất may, là có đến 4 loại ngành hàng có độ lan tỏa cao và cũng có độ nhạy lớn hơn 1.

Đấy là các tiêu chí để đánh giá một chính sách kích cầu có hiệu quả (hơn chính sách khác) hay không. Chúng ta sẽ dùng các tiêu chí này để xem xét sơ bộ hiệu quả kích cầu của chính sách bù lãi suất.

Tính hiệu quả cũng có thể được hiểu là đảm bảo hay tạo ra nhiều công ăn việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế lớn, có độ lan toả nhanh và lớn, thúc đẩy cải thiện cán cân thương mại. Phải ưu tiên các ngành dùng nhiều lao động. Nếu người lao động tiếp tục có việc làm, có thu nhập thì sẽ có cơ sở để kích thích tiêu dùng. Đấy có lẽ phải là tiêu chuẩn số một để lựa chọn kích thích.

Cũng phải tính đến hiệu quả kinh tế, sự tác động nhanh và lớn. Các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 75% tài sản cố định quốc gia, trên 80% vốn đầu tư của Nhà nước, 60% tổng lượng tín dụng trong nước, trên 70% vốn vay nước ngoài. Mức độ độc quyền của các doanh nghiệp này là rất lớn, nhưng chỉ đóng góp chưa tới 40% GDP, 30% thu ngân sách về thuế và chỉ tạo ra việc làm cho gần 10% lực lượng lao động.

Thêm vào đó, như phân tích ở phần trên cho thấy hệ số ICOR của khu vực Nhà nước là đáng lo ngại trong khi ICOR của khu vực các doanh nghiệp tư nhân nhỏ hơn nhiều. Khu vực tư nhân không những hoạt động hiệu quả mà còn tạo ra tuyệt đại bộ phận việc làm mới. Nông thôn và nông nghiệp vẫn còn là một chỗ đệm tương đối an toàn cho những công nhân nhập cư mất việc làm và như thế góp phần giải quyết khó khăn do chúng ta chưa có hệ thống an sinh xã hội tốt. Đó là điểm khác giữa ta và các nước phát triển.

Từ đó có thể thấy vài gợi ý chính sách quan trọng: kích thích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho khu vực phi chính thức, cho hoạt động nông nghiệp, cho phát triển nông thôn, chứ không nên chỉ chú tâm vào các doanh nghiệp nhà nước (tất nhiên cũng phải chú tâm thỏa đáng đến chúng, không bỏ rơi chúng; ở đây chỉ nói về thứ tự ưu tiên).

Thúc đẩy cải thiện cán cân xuất nhập khẩu. Khu vực doanh nghiệp nhà nước là khu vực tạo ra thâm hụt thương mại lớn nhất, khu vực nông nghiệp, ngư nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo ra nhiều xuất khẩu. Như vậy khu vực thoả mãn tiêu chí này cũng là khu vực thoả mãn tiêu chí về hiệu quả nêu trên và may thay cũng là khu vực sử dụng nhiều lao động. Tháng 9-2008 Viện IDS đã tiến hành nhanh một khảo sát về độ co giãn của các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam khi thu nhập của người dân các nước nhập khẩu giảm và thấy rằng các độ co giãn đó không lớn. Nói cách khác, xuất khẩu của các mặt hàng đó có thể giảm nhưng không giảm quá mạnh như các mặt hàng có độ co giãn cao. Chúng tôi đã khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam nên nắm bắt cơ hội và có thể cải thiện hay giảm bớt thiệt hại. Tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong quý 4 năm 2008 và quý 1 năm 2009 cho thấy xuất khẩu của Việt Nam khá tốt trong bối cảnh khó khăn chung. Thời gian tới có thể còn khó khăn, song nếu chúng ta chủ động tình hình có thể được cải thiện hay không bị giảm sút quá.

Thứ hai, gói kích thích mang tính ngắn hạn, khẩn cấp nên yếu tố thời gian rất quan trọng. Các biện pháp nào không thoả mãn yếu tố thời gian (tức là triển khai kéo quá dài) thì nên gán cho độ ưu tiên thấp.

Thứ ba, tuy mang tính ngắn hạn song phải theo hướng với cải cách dài hạn hoặc không gây cản trở cho các nỗ lực cải cách dài hạn nhằm đưa nền kinh tế vào giai đoạn phát triển mới. Chính sách thúc đẩy đầu tư hạ tầng là chính sách dài hạn, không phải chính sách ngắn hạn và khẩn cấp nên phải cân nhắc rất thận trọng khi lựa chọn trong gói kích thích. Tuy nhiên, các dự án hạ tầng có hiệu quả, sắp xong nên được khẩn cấp đầu tư thêm để hoàn tất nhằm phát huy tác dụng ngay.

Cải cách hành chính, thủ tục không tốn nhiều tiền (nhưng cần quyết tâm chính trị cao) có thể mang lại hiệu quả tức thì và hợp với quá trình cải tổ trung dài hạn. Khủng hoảng tạo cơ hội để tiến hành cải cách triệt để, nên tận dụng cơ hội này.

Đào tạo lại lực lượng lao động, đầu tư vào giáo dục, y tế, giúp người nghèo là những việc vừa giúp kích cầu vừa mang tính dài hạn.

Trên đây là một số định hướng, tiêu chí hay quan điểm để đánh giá tác động của các biện pháp chính sách. Tiếp theo chúng ta sơ bộ xem xét các biện pháp chính sách tiền tệ và tài khóa đã được đưa ra, đã hay đang được thực hiện.

Có thể thấy,

  • Từ 1999 đến tháng 3-2008 chính sách kinh tế của nhà nước thiên về hướng kích thích tăng trưởng;
  • Từ tháng 3-2008 đến tháng 12-2008 chính sách nhằm chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô;
  • Từ tháng 12-2008 đến nay (4-2009) trọng tâm của chính sách là kích thích kinh tế, ngăn chặn sự suy giảm tăng trưởng, kích cầu.

Ngày 11/12/2008 Chính phủ ra Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Dư luận nhắc đến gói kích thích 1 tỷ USD và đến cuối tháng tăng lên 6 tỷ, rồi mới đây (4-2009) bắt đầu nói đến 8 tỷ USD. Một số biện pháp cụ thể đã được hình thành ngày càng rõ dần và một số đã và đang được thực hiện (với nhận xét sơ bộ):

  • Hỗ trợ người nghèo ăn tết theo Quyết định 81/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17/1/2009 với tổng số tiền trên 3.800 tỷ đồng. Một biện pháp rất tốt để kích tiêu dùng và giảm nhẹ vấn đề xã hội. Tuy nhiên, việc thực thi các biện pháp tương tự cần rút kinh nghiệm để các khoản hỗ trợ nhanh chóng đến đúng đối tượng được hỗ trợ và ít thất thoát.
  • Hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân đến hết tháng 5. Dựa vào kinh nghiệm quốc tế, tôi cho rằng biện pháp này ít hiệu quả (tuy rất tốt cho những người được hoãn).
  • Giảm, giãn, hoãn một số loại thuế cho các doanh nghiệp. Biện pháp này giúp một số doanh nghiệp đỡ khó khăn, rất tốt cho họ. Hiệu quả kích cầu không cao.
  • Bù lãi suất 4%/năm cho các khoản vay ngắn hạn đến 8 tháng (tổng số tiền bù lãi suất là khoảng 1 tỷ USD) theo Quyết định 131/TTg-QĐ ngày 23-1-2009 của Thủ tướng Chính phủ (với 13 lĩnh vực không được áp dụng là: 1. Ngành công nghiệp khai thác mỏ; 2. Hoạt động tài chính; 3. Ngành quản lý nhà nước và an ninh quốc phòng, Đảng, đoàn thể, bảo đảm xã hội bắt buộc; 4. Giáo dục và đào tạo; 5. Y tế và hoạt động cứu trợ xã hội; 6. Hoạt động văn hóa, thể thao; 7. Hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn (trừ hoạt động đầu tư xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp); 8. Hoạt động phục vụ cá nhân và công cộng (bao gồm cả cho vay thông qua thẻ tín dụng); 9. Hoạt động dịch vụ tại hộ gia đình; 10. Hoạt động các tổ chức quốc tế; 11. Nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng; 12. Đầu tư và kinh doanh chứng khoán; 13. Kinh doanh bất động sản dưới hình thức mua, bán quyền sử dụng đất). Sau đó Thủ Tướng Chính Phủ ban hành Quyết định 333/QĐTTg ngày 10/3/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 131/QĐTTg.Cho đến cuối tháng 4-2009 đã giải ngân được 280 ngàn tỷ đồng tín dụng được bù lãi suất (đạt 65,9% tổng mức tín dụng là 425 ngàn tỷ tín dụng được hưởng bù lãi suất). Tuy nhiên, mức tăng tổng tín dụng rất nhỏ (khoảng 3,3%). Nói cách khác biện pháp này không có hiệu quả tăng tín dụng (kích cầu). Một vài nhận xét chủ quan của tôi về biện pháp này để thảo luận là như sau.

    Bù lãi suất là một biện pháp kích cầu có thể rất tốt và đáng hoan nghênh, tuy nhiên tính hiệu quả của chính sách này không cao. Nó lạ và “sáng tạo” vì chưa có nước nào làm tập trung như Việt Nam.

    Thứ nhất, gói kích thích mang tính ngắn hạn, khẩn cấp nên yếu tố thời gian rất quan trọng. Chính sách bù lãi suất theo quyết định 131 thỏa mãn tiêu chí này ở mức vừa phải. Nó có thể được tiến hành tương đối nhanh và rộng (do tất cả các ngân hàng thương mại đều có thể tham gia) nên nhiều doanh nghiệp có thể vay và đến cuối tháng 4 đã đạt 65,9% kế hoạch cho thấy tiêu chí nhanh đã là tốt. Thời hạn của gói chỉ là 8 tháng mang tính tạm thời chứ không phải lâu dài, như thế là tốt.

    Thứ hai, sở dĩ phải ưu tiên các ngành dùng nhiều lao động vì tác động xã hội ghê gớm của thất nghiệp gia tăng. Nếu người lao động tiếp tục có việc làm, có thu nhập thì sẽ có cơ sở để kích thích tiêu dùng. Những ngành dùng nhiều lao động thường có lương không cao, người lao động chi tiêu phần lớn thu nhập và làm cho việc kích tiêu dùng hiệu quả hơn. Theo tiêu chí này chính sách bù lãi suất chỉ dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ưu tiên các doanh nghiệp tạo nhiều công ăn việc làm. Như vậy theo tiêu chí này chính sách bù lãi suất có vẻ cũng khá song vẫn chỉ cho một lượng rất nhỏ người nghèo và có thu nhập thấp (số nhân viên của các công ty có thể vay). Các doanh nghiệp yếu kém sẽ không thê vay được (và cũng không đáng cho họ vay vì làm thế chỉ cản sự tái cơ cấu của nền kinh tế, nên tạo điều kiện cho họ phá sản một cách văn minh hơn là giúp họ lay lắt) và người lao động bị mất việc làm. Đối tượng người lao động này cần được kích cầu (đào tạo lại, giúp kiếm việc làm mới tạm thời hay lâu dài,…) vì khoản kích cầu ấy có hiệu quả cao. Các doanh nghiệp gặp khó khăn (có thể vượt qua nếu được trợ giúp) cũng khó có thể vay được. Theo tiêu chuẩn của các ngân hàng, các doanh nghiệp vay được là “khách hàng tốt” và giảm lãi suất cho họ chưa chắc đã có nhiều tác động làm tăng cầu (hệ số nhân của họ nhỏ).

    Thứ ba, thúc đẩy cải thiện cán cân xuất nhập khẩu. Khu vực doanh nghiệp nhà nước là khu vực tạo ra thâm hụt thương mại lớn nhất, khu vực nông nghiệp, ngư nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo ra nhiều xuất khẩu. Như vậy khu vực thỏa mãn tiêu chí này cũng là khu vực thỏa mãn tiêu chí sử dụng nhiều lao động. Gói bù lãi suất chỉ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và cho một số khoản vay nhất định, ưu tiên cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Có thể nói chính sách cũng thỏa mãn tốt tiêu chí này. Tuy nhiên, chưa có số liệu cụ thể liệu các khoản tín dụng này có được rót đúng cho các ngành nghề được nêu hay không, nên cần phải xem xét và đánh giá tiếp.

    Ngoài ra, do chỉ bù lãi suất nên dùng được tác động đòn bẩy tài chính (với 1 tỷ USD bù lãi suất có thể cực đại tạo ra được tổng tín dụng 25 tỷ USD) và đấy là ưu điểm của chính sách này. Vậy tại sao lại nói hiệu quả kích cầu của nó là thấp. Hiệu quả kích cầu khó tính, song có thể dùng mức tăng trưởng tín dụng làm một chỉ số đại diện (proxy), với việc hoàn thành 66% kế hoạch mà tổng tăng tín dụng chỉ khoảng 3,3% cho thấy hiệu quả kích cầu rất thấp. Có thể nói đây không phải là biện pháp kích cầu mà đúng ra là biện pháp giải cứu. Bù lãi suất có tác dụng tương tự như hạ lãi suất có chọn lọc, mang tính chất chính sách tiền tệ hơn là tài khóa (tuy nhà nước chi 17.000 tỷ đồng là biện pháp tài khóa). Nó mang tính “cứu trợ” hơn là “kích cầu”. Ngân hàng có tiền cho vay với lãi suất thấp: đấy mới chỉ là phía cung tín dụng. Phía cầu tín dụng thì sao? Doanh nghiệp có vay không và nếu vay thì có sử dụng tiền vay đúng mục đích không? Các doanh nghiệp được vay bù lãi suất có tạo ra thêm nhiều cầu hơn so với không bù lãi suất hay không? Nếu doanh nghiệp không bán được hàng thì dù lãi suất thấp họ cũng không vay. Khi tổng tín dụng không tăng thêm so với không bù lãi suất thì hiệu quả kích cầu là nhỏ. Nhà nước biếu không cho doanh nghiệp số tiền bù lãi suất nhưng không kích cầu được mấy. Nếu bị lạm dụng để đảo nợ, thay khoản vay cũ có lãi suất cao bằng khoản vay mới rẻ hơn thì tổng tín dụng khó có thể tăng. Phải làm cho tổng cầu tăng thực sự. Các doanh nghiệp cũng là người mua hàng (của doanh nghiệp khác) và nếu làm ăn có lãi họ có thể vay, như thế bù lãi suất cũng làm tăng cầu. Chỉ có các nhà hoạch định chính sách mới có đủ số liệu để tính toán hay ước lượng, nhưng chưa chắc tổng cầu sẽ tăng như mong muốn (và họ đã không đưa ra mức mong muốn là bao nhiêu nên thực sự không có tiêu chí để đánh giá).

    Những người phê phán hoặc coi tính hiệu quả kích cầu của biện pháp bù lãi suất là kém hoàn toàn có lý khi nói: sau hơn 3 tháng thực hiện (giải ngân được khoảng 280.000 tỷ đồng, nhưng tín dụng tăng không đáng kể), tỷ lệ đảo nợ cao; coi gói này là gói giải cứu hơn là gói kích cầu;chưa giải quyết được đầu ra thì doanh nghiệp không vay dẫu lãi suất có thấp; v.v. Đó là những ý kiến đáng quan tâm và không nên bỏ qua.

    Ngược lại những người ủng hộ lại có thể nói: giả như không có bù lãi suất thì quá trình co lại của tín dụng (do chính sách thiết chặt tín dụng trước đó) có thể làm cho thị trường bị đóng băng và tín dụng có thể không những không tăng mà còn có thể giảm mạnh (thí dụ 10-15%), nói cách khác biện pháp bù lãi suất đã ngăn được sự suy giảm có thể xảy ra như vậy. Họ cũng có lý, do các mục tiêu đề ra chưa thật rõ nên rất khó đánh giá.

    Có thể nói thị trường tín dụng đã không đóng băng, đã ngừng giảm và có tăng trưởng đôi chút. Theo tôi nên dừng biện pháp này lại hoặc nhiều nhất chỉ nên hoàn tất 35% còn lại nhưng không nên mở rộng.

  • Bù lãi suất 4%/năm cho các khoản vay trung dài hạn để đầu tư mới với thời hạn bù lãi suất đến 24 tháng theo Quyết định 443/QĐTTg ngày 04/4/2009 của Thủ Tướng Chính Phủ (Ngân hàng Nhà nước có thông tư số 05/2009/NHNN ngày 7/4/2009 hướng dẫn chi tiết). 9 ngành được vay vốn bù lãi suất 4%/năm trong vòng 24 tháng là: Ngành nông nghiệp và lâm nghiệp; thuỷ sản; công nghiệp khai thác mỏ; ngành công nghiệp chế biến; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước; ngành xây dựng (trừ công trình xây dựng văn phòng (cao ốc) cho thuê, công trình xây dựng, sửa chữa mua nhà để bán); ngành thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy, đồ dùng cá nhân và gia đình; ngành vận tải, kho bãi và thông tin liên lạc; hoạt động khoa học và công nghệ. Vì gói này vừa mới bắt đầu thực hiện, tôi chỉ đưa ra vài nhận xét chủ quan để thảo luận. Thứ nhất, tiêu chí khẩn cấp không thỏa mãn, đầu tư mới, đầu tư trung dài hạn không nên là đối tượng kích cầu. Thứ hai, một loạt ngành nghề được hưởng sẽ mở ra khả năng “giải cứu” cho nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả. Các ngành nông lâm nghiệp, thương nghiệp, thủy sản nên được hỗ trợ song cũng chỉ nên ngắn hạn, chứ không phải vay trung và dài hạn. Theo tôi, nên rất cân nhắc việc bù lãi suất trung dài hạn này vì các lý do trên và vì nó rất có thể bị biến dạng và gây khó khăn nhiều cho tái cơ cấu.Theo tôi nên dừng ngay biện pháp này. Không nên dùng ngân sách nhà nước để làm việc đó, việc có thể mang lại nhiều hậu quả xấu lâu dài, trong khi có nhiều việc khác cần làm và có thể có hiệu quả hơn nhiều.
  • Đầu tư công nhằm tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng cơ sở. Chính phủ đang chủ trương đẩy mạnh việc giải ngân, tháo gỡ các thủ tục hành chính cho việc này. Đó là việc làm đúng hướng, chỉ lưu ý là thực hiện ra sao, ưu tiên như thế nào để có hiệu quả thực sự, giảm bớt thất thoát và không gây khó khăn cho tương lai.
  • Xây dựng nhà ở xã hội. Lưu ý xây dựng (xem Bảng 6) có thể có vai trò quan trọng, cần chú ý đẩy mạnh mà theo tôi chủ yếu là các dự án sắp hoàn thành, các dự án có hiệu quả và đã chuẩn bị kỹ, hạ tầng nông thôn (đường, thủy lợi, trường học, nhà ở, …). Còn xây nhà xã hội như đang được thảo luận cần cân nhắc rất kỹ và thận trọng, nếu có làm thì nên phân tán, quy mô vừa, không nên tập trung (với kinh phí dự kiến 80 ngàn tỷ đồng). Chủ trương này nên xem xét hết sức kỹ lưỡng và thận trọng. Theo tôi việc giao cho các tổ chức này, tổ chức nọ như bàn luận vài tháng qua có thể không những không mang lại hiệu quả kích thích mà còn gây ra những khó khăn chồng chất cho tương lai và có thể sẽ vô cùng lãng phí.
  • Đầu tư cho nông thôn, trợ giúp nông dân và ngư dân cũng như người nghèo là hết sức quan trọng và cần có chính sách thỏa đáng. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có những biện pháp cụ thể và chưa được thảo luận kỹ.
  • Giáo dục, đào tạo, y tế là các lĩnh vực cần ưu tiên cao. Tuy nhiên, vẫn chưa có các biện pháp cụ thể, thậm chí có những dấu hiệu cho thấy có khả năng đưa ra những chính sách ngược.
  • Cải tổ, tái cơ cấu, cải cách hành chính (nói cách khác là xây dựng cơ sở hạ tầng mềm cho pha phát triển mới) là hết sức quan trọng. Khó khăn của khủng hoảng cũng là cơ hội tốt để tiến hành những cải cách sâu rộng mà lúc bình thường khó có thể có quyết tâm chính trị để làm. Đấy là cơ hội không nên bỏ phí.

Nghe nói gói kích thích kinh tế có thể lên đến 11-12 tỷ USD (chiếm 14-15% GDP), một con số khổng lồ và vào loại cao nhất thế giới. Lấy đâu ra nguồn? Người ta nói sẽ phát hành trái phiếu để vay của dân. Nên hết sức lưu ý rằng việc chi tiêu của chính phủ và của các doanh nghiệp nhà nước là rất kém hiệu quả (xem phần ICOR). Huy động của dân là khuyến khích họ tiết kiệm chứ không phải khuyến khích họ tiêu dùng hay đầu tư, hoàn toàn ngược với mục tiêu kích cầu. Rất cần tránh việc nhà nước vay mượn quá nhiều và chi tiêu bừa bãi, không hiệu quả. Thế hệ sau sẽ lên án nếu chúng ta không cẩn trọng. Liệu có cần kích thích thêm nữa hay không? Nếu có, nên ở mức nào?

Theo tôi, không thể để cho tật thích chi tiêu một cách kém hiệu quả của các cơ quan nhà nước có cơ hội phát triển thêm. Có lẽ do quá say sưa với kích cầu, kích thích trong suốt cả thập kỷ vừa qua nên nền kinh tế Việt Nam mới có những mất cân đối vĩ mô như vừa qua, và những mất cân đối đó vẫn nguyên đó. Năm 2009 chắc chắn bội chi ngân sách sẽ cao. Đó là việc cực chẳng đã phải chấp nhận, nhưng phải cẩn trọng và không thể để bội chi tăng quá mức không cần thiết, luôn phải lưu ý đến các mục tiêu dài hạn, đến phát triển bền vững.


[1] Xem bài viết của Bùi Trinh và Dương Mạnh Hùng trên Tạp Chí Kinh tế và Dự báo, số 7 tháng 4/2009 hay tại: http://tapchikinhtedubao.mpi.gov.vn/portal/page/portal/tckt/903605?m_action=2&m_typeid=164&m_year=2009&m_itemid=15647&m_magaid=1632&m_category=268

[2] Bùi Trinh và các cộng sự tính hệ số nhân và lan tỏa (chỉ số Hirchman) dựa trên bảng I/O năm 2005 và liệt kê các ngành có hệ số lớn hơn 1. Theo đó những ngành có chỉ số lan toả cao nhất là các ngành chế biến sản phẩm nông nghiệp và sản xuất sản phẩm đầu vào cho ngành nông nghiệp, tiếp đến là nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Có 19 nhóm ngành liên quan đến nông nghiệp trong tổng số 27 ngành có chỉ số lan toả cao hơn 1. Đặc biệt một số ngành có cả chỉ số lan toả và độ nhậy cao hơn một như gạo, thịt và sản phẩm từ thịt, chế biên thức ăn gia súc, chăn nuôi khác, chế biến thuỷ hải sản, lương thực thực phẩm đã qua chế biến, phân bón và nông dược khác. Những ngành này khi được đầu tư mở rộng sản xuất sẽ kích thích toàn nền kinh tế.

Nguyễn Quang A ( Theo Vnids )
05
Th5
09

Ý kiến của một số trí thức VN về bản báo cáo nhân quyền của Hà Nội

https://i0.wp.com/nguoivietparis.com/images/HumanRights_image.jpg

Một số học giả và trí thức Việt Nam đã lên tiếng chỉ trích bản báo cáo nhân quyền do chính phủ Việt Nam công bố hồi gần đây trong khuôn khổ của cuộc duyệt xét đầu tiên mà Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc tiến hành 4 năm một lần để kiểm điểm việc thực hiện quyền con người tại 192 nước thành viên của Liên hiệp quốc. Mời quí thính theo dõi thêm một số chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây.

Khi quyết định thành lập Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc vào năm 2006, Đại Hội đồng Liên hiệp quốc cũng đồng thời thiết lập một cơ chế có tên là Thẩm nghị Định kỳ Phổ cập (Universal Periodic Review), gọi tắt là UPR, để duyệt xét việc thực hiện nhân quyền của toàn bộ các nước thành viên 4 năm một lần. Cuộc thẩm nghị đầu tiên đã bắt đầu từ tháng tư năm 2008 và theo lịch trình Việt Nam sẽ trình bày báo cáo của mình vào ngày 8 tháng 5 năm 2009 tại trụ sở Liên hiệp quốc ở Geneve.

Trong khuôn khổ của cơ chế UPR, hôm 23 tháng 3 vừa qua giới hữu trách Hà nội đã công bố ‘Báo Cáo Quốc Gia Kiểm Điểm Định Kỳ Việc Thực Hiện Quyền Con Người Ở Việt Nam’. Văn kiện – được soạn thảo dưới sự hướng dẫn của Bộ Ngoại giao và sự tham gia trực tiếp của nhiều cơ quan chính phủ, đã nhanh chóng gặp phải sự chỉ trích của một số học giả và trí thức Việt Nam vì những điều mà họ cho là không đúng sự thật và phản ánh những cách suy nghĩ và hành động lỗi thời, không phù hợp với những nguyên tắc nhân quyền phổ quát của thời đại hiện nay.

Trong phần đề cập tới bài học thành công về nhân quyền ở Việt Nam, báo cáo của Hà nội nhấn mạnh tới bài học là ‘các quyền con người không thể tách rời độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia’. Đoạn 60 của báo cáo này cho biết rằng ‘Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, được sống trong độc lập, tự do, dân chủ với tất cả quyền con người của mình và được bảo vệ bằng Hiến pháp và pháp luật’. Báo cáo nói thêm rằng ‘thành tựu to lớn’ này ‘chính là những thành tựu dân chủ, nhân quyền cơ bản nhất mà nhân dân Việt Nam đã giành được’.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A là giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam ở Hà nội. Ông cho biết rằng đoạn văn vừa kể không phản ánh sự thật hiện nay ở Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói: “Người Việt Nam từ ngàn xưa cho đến nay chưa bao giờ đạt được những cái quyền như thế mà còn phải phấn đấu rất nhiều. Và cái quyền đấy không ai có thể ban phát cho, mà mình phải bằng mọi cách tranh đấu lấy mới được.”

Ông Nguyễn Quang A cho hay một số quan chức Việt Nam hiện nay thật sự tin rằng họ là người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói thêm: “Hiện giờ tình hình có khá hơn thời trước và muốn đạt được những cái như người ta viết thì tôi nghĩ còn cần sự nỗ lực của rất nhiều người và cũng không phải là nhanh chóng mà có thể đạt được.”

Giáo sư Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Quyền làm người Việt Nam, bác bỏ sự kết nối giữa nhân quyền với việc giành độc lập cho đất nước. Ông cho rằng đây là hai vấn đề riêng biệt, và không nhất thiết là nhân quyền của người dân sẽ được bảo vệ sau khi giành được độc lập.

Giáo sư Ái nói tiếp: “Ðiều tôi thấy hết sức lạc hậu trong bản phúc trình này là nhà cầm quyền Hà nội vẫn tiếp tục chủ xúy cái gọi là ‘ngoại lệ nhân quyền châu Á’ – nghĩa là họ tôn trọng nhân quyền nhưng mỗi nền văn hóa lại có một sắc thái nhân quyền khác nhau. Nói như vậy là chống lại nhân quyền quốc tế rồi. Và đặc biệt hơn nữa là nhà cầm quyền Việt Nam trong Điều 4 Hiến pháp qui định rằng tư tưởng của nhà nước hiện nay là chủ nghĩa Mác-Lê và Hồ chí Minh và đồng thời Đảng Cộng Sản là đảng duy nhất quản lý đất nước. Chủ nghĩa Cộng Sản là chủ nghĩa triết học Tây phương chứ không phải là nền văn hóa dân tộc từ đời Vua Hùng về sau. Cho nên tôi thấy tư tưởng ngoại lệ nhân quyền châu Á của phúc trình này rất là lạc hậu.”

Bản báo cáo nhân quyền của Việt Nam nhấn mạnh tới sự kiện là ‘chỉ trong một thời gian ngắn, từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã ban hành và sửa đổi khoảng 13,000 văn bản luật và dưới luật, trong đó các quyền về dân sự, chính trị được qui định một cách cụ thể và toàn diện hơn’.

Giáo sư Võ Văn Ái nhận xét: “Báo cáo này cho một danh sách rất nhiều về vấn đề luật pháp và xem như rằng khi có càng nhiều luật chừng nào thì cái tôn trọng nhân quyền càng nhiều chừng đó. Tuy nhiên họ không hề cho người đọc thấy được những vấn đề cụ thể của những luật pháp đó đã được áp dụng như thế nào trong việc bảo vệ quyền của công dân tại Việt Nam; và xem như nhà nước Việt Nam tôn trọng nhân quyền vì đã có những cuộc đối thoại với Hoa kỳ, với Liên hiệp châu Âu và cứ xem như có đối thoại về nhân quyền là có nhân quyền trong khi người công dân tại Việt Nam rất trông mong được thấy quyền của con người được bảo vệ.”

Giáo sư Võ Văn Ái cho biết trong thời gian vừa qua ông đã trình bày với các giới chức Liên hiệp quốc và các nước khác về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Ông nói thêm rằng ông đang vận động cho một cuộc biểu tình trước Điện Quốc Liên ở Geneve ngày 8 tháng 5 để phản đối những hành vi vi phạm nhân quyền của chính phủ ở Hà nội.

Ông Võ Văn Ái nói: “Trong vài tháng qua chúng tôi đã hoạt động có thể nói là rất mạnh mẽ. Trước nhất là để thông tin cho tất cả các thành viên quốc gia có chân trong Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc để họ hiểu rõ hơn những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam như tôi đã trình bày trước Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc hôm 23 tháng 3 vừa qua. Sau hôm đó chúng tôi tiếp tục đi thăm viếng, thông tin, và chúng tôi hy vọng rằng với những hồ sơ cụ thể về vấn đề vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo tại Việt Nam thì ngày 8 tháng 5 sắp tới, khi phái đoàn Hà nội trình bày phúc trình về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam thì các quốc gia đó sẽ đưa những tư liệu đó ra để chất vấn. Đó là những hoạt động bên trong Điện Quốc Liên của Liên hiệp quốc. Bên ngoài thì chúng tôi kêu gọi đồng bào người Việt tị nạn khắp năm châu đến Geneve vào 9 giờ sáng ngày 8 tháng 5 để biểu tình, yêu sách cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam để nói thay cho tiếng nói của đồng bào trong nước hiện không có phương tiện hoặc cơ sở truyền thông báo chí để nói lên khát vọng nhân quyền của mình.”

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, một cựu tù nhân lương tâm từng bị chính quyền Cộng Sản Việt Nam giam cầm trong nhiều năm, là Giám đốc Viện Quốc tế cho Việt Nam ở Virginia, Hoa kỳ. Ông cho rằng báo cáo nhân quyền của Việt Nam có nhiều điều lẫn lộn và không cho mọi người thấy được chính phủ Việt Nam đã làm gì để bảo vệ nhân quyền.

Ông Đoàn Viết Hoạt nhận định: “Bản kiểm điểm này lẫn lộn giữa thành tích phát triển với thành tích nhân quyền và dân quyền. Họ kể ra thành tích về giáo dục, y tế, phụ nữ v.v. nhưng đó là những thành tích về phát triển. Thành tích phát triển không nhất thiết bảo đảm sự tôn trọng nhân quyền và dân quyền. Thứ hai là sự lẫn lộn giữa vấn đề độc lập của đất nước với vấn đề nhân quyền và dân quyền. Một đất nước được độc lập chưa hẳn là bảo đảm được nhân quyền và dân quyền nếu chính quyền đó không tôn trọng và thực thi nhân quyền.”

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt cho rằng hai điều quan trọng nhất trong vấn đề nhân quyền ở Việt Nam là mối quan hệ giữa người dân với chính quyền và vấn đề pháp trị. Về mối quan hệ giữa chính phủ và dân chúng, ông nói rằng thực tế ở Việt Nam cho thấy người dân không được tự do vì mọi hoạt động của họ đều bị nhà cầm quyền kiểm soát.

Ông Đoàn Viết Hoạt nói thêm: “Báo cáo của Việt Nam cho biết họ muốn thay đổi rất nhiều luật pháp nhưng thay đổi luật pháp không có nghĩa luật pháp được tôn trọng bởi người cầm quyền. Tức là người cầm quyền có thể sử dụng luật pháp để vi phạm nhân quyền. Đây là điều mà chúng tôi đã đưa ra trong các nhận xét của chúng tôi trong nhiều năm nay. Đó là nhà cầm quyền Việt Nam đã dùng luật pháp để cai trị. Cái đó chúng tôi gọi là pháp quyền, trong tiếng Anh gọi là ‘rule by law’. Một chế độ pháp trị thì hoàn toàn khác – tức là người cầm quyền không được dùng luật pháp để vi phạm nhân quyền hoặc chỉ làm những việc có lợi cho người cầm quyền mà không vì quyền lợi của người dân. Khi sử dụng để luật pháp để cai trị thì vẫn tốt hơn là không có luật pháp, nhưng luật pháp phải cai trị cả người cầm quyền thì lúc đó mới thật sự là tôn trọng luật pháp và ở đó mới có căn bản để nhân quyền được tôn trọng. Ở đây chúng ta cần phân biệt giữa pháp quyền và pháp trị, tức là ‘rule by law’ và ‘rule of law’. Ở Việt Nam chưa có ‘rule of law’, chưa có pháp trị mà chỉ có pháp quyền thôi. Rõ ràng là chữ ‘pháp quyền’ mà nhà nước đang dùng ở Việt Nam có nghĩa là ‘rule by law’ chứ không phải là ‘rule of law’. Thực chất của vấn đề Việt Nam hiện nay là nhà cầm quyền không thật sự là một nhà cầm quyền do người dân cử ra và phục vụ cho người dân mà là do Đảng Cộng Sản cử ra và phục vụ cho quyền lợi của những người cầm quyền. Ở Việt Nam thường nói tới 4 cái quyền của người dân là ‘dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra’; có vẻ như dân quyền được tôn trọng lắm, nhưng có một cái quyền căn bản nhất của dân quyền và nhân quyền là quyết định thì lại do đảng quyết định! Cho nên đảng sẽ quyết định người dân được biết gì, được làm gì và được kiểm tra cái gì, và họ đặt ra luật để qui định những điều đó. Và như thế thì nhân quyền và dân quyền không thể được tôn trọng.”

Theo các qui định của cơ chế UPR, sau phần trình bày và thảo luận về báo cáo quốc gia của một nước, một báo cáo chung cuộc sẽ được đúc kết với những khuyến nghị cho quốc gia đó để thực hiện quyền con người, và UPR sẽ bảo đảm là mọi nước phải chịu trách nhiệm về tiến bộ hoặc thất bại trong việc thực thi các khuyến nghị đó.

Đến cuộc thẩm nghị lần thứ nhì, các nước có bổn phận cung cấp thông tin về những gì mà họ đã làm để thực thi những khuyến nghị được đề ra 4 năm về trước. Cộng đồng quốc tế sẽ trợ giúp trong việc thực thi các khuyến nghị và kết luận liên quan tới việc xây dựng năng lực và trợ giúp kỹ thuật, với sự tham khảo ý kiến của quốc gia liên hệ. Và nếu cần, Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc sẽ giải quyết trường hợp của những nước không hợp tác với cơ chế này.

( Theo Voanews )

21
Th4
09

Khi quan chức “thích” làm khoa học

TT – Chuyện quan chức trong bộ máy hành chính đứng ra chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học có kinh phí từ ngân sách lâu nay tưởng như bình thường. Nhưng TS NGUYỄN QUANG A (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển – ảnh) cho rằng hiện tượng này sẽ làm “méo mó nền khoa học” và tạo môi trường có thể dẫn đến “tham nhũng trong khoa học”.

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Bích San – phó tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN – nói hậu quả là có thể thất thoát tới 40% tổng kinh phí cho mỗi đề tài nghiên cứu khoa học.

– TS NGUYỄN QUANG A: Không khó để chúng ta thấy nhiều quan chức trong bộ máy hành chính đã và đang làm lãnh đạo chương trình hoặc chủ nhiệm đề tài nghiên cứu nào đó, nhất là các đề tài trong lĩnh vực khoa học xã hội. Có thể là đề tài cấp bộ, cấp tỉnh… với kinh phí hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng. Đây là điều không xảy ra ở nhiều nước trên thế giới.

Trước hết, các đề tài nghiên cứu khoa học dù ở cấp nào phải do các nhà khoa học thực hiện. Còn quan chức thì phải làm công việc của người được giao trách nhiệm quản lý nhà nước. Họ được hưởng lương từ tiền đóng thuế của người dân để làm công việc đó.

Ví dụ một đề tài khoa học liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, cần thiết phải do các nhà khoa học thực hiện, còn trách nhiệm đương nhiên của quan chức là làm chiến lược, làm tham mưu… chứ không phải làm chủ nhiệm đề tài và được hưởng kinh phí từ ngân sách nghiên cứu khoa học của Nhà nước. Chẳng hạn một tỉnh muốn có căn cứ thực hiện việc luân chuyển cán bộ phù hợp với đặc thù địa phương, trách nhiệm của giám đốc sở nội vụ là tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về việc này, chứ không phải “đẻ” ra đề tài khoa học về luân chuyển cán bộ để nghiên cứu. Nếu ngân sách nhà nước phải chi cho việc đó thì vô hình trung Nhà nước phải trả hai lần lương cho ông giám đốc này.

* Thưa ông, thực tế nhiều đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ trực tiếp cho công việc quản lý nhà nước?

– Ở đây cần phân biệt rõ chức năng của một quan chức và một nhà nghiên cứu khoa học. Không ai phản đối một ông bộ trưởng yêu thích khoa học, ngoài giờ hành chính ông ấy tự bỏ tiền túi ra nghiên cứu theo sở thích của mình. Nhưng không nên lẫn lộn, Nhà nước có thể dùng ngân sách để đặt hàng các đề tài nghiên cứu hoặc các hướng nghiên cứu nếu thấy cần thiết, sau đó để cho các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học thực hiện.

Còn bộ trưởng hay giám đốc sở nào đó chỉ có thể tham gia đề tài nghiên cứu khoa học với tư cách cộng tác viên, chứ không thể là chủ nhiệm đề tài. Trong vai cộng tác viên thì phải làm việc ngoài giờ, vì trong giờ hành chính ông đã được trả lương để làm công việc liên quan đến nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình. Nếu thật sự lương thấp, cần cải thiện thì vấn đề là cải tổ hệ thống lương chứ không phải vẽ ra đề tài khoa học để tăng thu nhập.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A – Ảnh: K.H.

* Nhưng cũng có nhiều quan chức trưởng thành từ người làm chuyên môn, làm nghiên cứu khoa học?

– Một quan chức muốn nghiên cứu khoa học có thể từ chức để làm việc đó. Xã hội sẽ rất hoan nghênh. Tôi cho rằng việc các quan chức lấn sân sang nghiên cứu khoa học đang góp phần làm méo mó bức tranh này. Vì sao? Vì khi một quan chức làm nghiên cứu khoa học, một mặt ông ta sẽ giành mất một phần kinh phí lẽ ra chỉ dành cho giới nghiên cứu, mặt khác cương vị quan chức cũng sẽ ảnh hưởng tới tính khoa học của quá trình nghiên cứu.

Nghiên cứu khoa học đòi hỏi phải khách quan, trung thực, có thể có đầu bài nhưng đáp số phụ thuộc vào thực tế nghiên cứu. Rất dễ có mâu thuẫn lợi ích nếu một người vừa là quan chức lại vừa nghiên cứu khoa học. Giữa một kết quả nghiên cứu trái với mục đích công việc mà vị quan chức đang hướng tới, cái nào sẽ được chọn?

Một nghiên cứu không được thiết kế để giữ khách quan ngay từ đầu là điều rất nguy hại trong khoa học. Đó là chưa kể đến nhiều sự méo mó khác. Ai đảm bảo tính khoa học của một nghiên cứu nào đó, khi hội đồng khoa học phải làm công việc đánh giá đề tài do quan chức cấp trên chủ trì?

* Vừa qua, Hiệp hội Khoa học Trung Quốc ban bố một bản quy phạm đạo đức khoa học của người làm công tác khoa học. Trên cơ sở bản quy phạm này, giới khoa học Trung Quốc đã kiến nghị nhà nước tách rời quyền lực học thuật và quyền lực hành chính. Không nên lấy luận văn, tác phẩm, dự án hoặc kinh phí nghiên cứu làm tiêu chuẩn đánh giá đối với cán bộ quản lý, ông nghĩ sao về điều này?

– Đây cũng là điều nên áp dụng ở nước ta. Cần chia tay lối “khoa học bao cấp”, hay nói cách khác là “hành chính hóa” nghiên cứu khoa học. Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện tốt hơn cho một nền khoa học tự chủ, độc lập.

PGS.TS Phạm Bích San – Ảnh: K.H.

PGS.TS PHẠM BÍCH SAN (phó tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN):

Tham nhũng trong khoa học biến hóa khôn lường

Hiện tượng người đứng đầu một cơ quan quản lý nhà nước nhưng vẫn làm khoa học đang rất phổ biến, trong khi lẽ ra cần tách bạch hai công việc quản lý và nghiên cứu khoa học.

Theo tôi được biết, thực tế nước ta có ba dạng. Thứ nhất, một quan chức quản lý có thể là chủ tịch hội đồng khoa học của cơ quan đó. Thứ hai, một công việc của anh công chức phải làm và Nhà nước đã trả lương cho anh làm việc đó nhưng anh lại biến công việc đó thành một đề tài nghiên cứu khoa học để lấy thêm tiền ngân sách. Thứ ba, một công chức mặc dù có cương vị trong bộ máy quản lý nhưng vẫn giành cho mình làm chủ nhiệm một số đề tài khoa học song thực tế chẳng làm gì cả mà để cho người khác làm, còn bản thân chỉ “đứng tên” và “ăn tiền”.

Tham nhũng trong khoa học có nhiều biểu hiện khác nhau và biến hóa khôn lường, vì đây là một trong những lĩnh vực khó kiểm soát. Trong nhiều trường hợp quan chức lấn sân sang nghiên cứu khoa học, không vì mục đích khoa học mà vì mục đích cá nhân, người ta đánh giá rằng mức độ thất thoát có thể lên đến 40% tổng kinh phí cho mỗi đề tài nghiên cứu khoa học. Thậm chí cuối cùng kết quả của không ít đề tài nghiên cứu đó chẳng có giá trị gì cả.

Các nước trên thế giới thường rất rạch ròi giữa cơ quan quản lý và cơ quan làm khoa học. Thậm chí cơ quan quản lý không được tham gia đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học. Muốn đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học thì các nhà quản lý thuê một cơ quan khoa học hoặc thuê một nhóm nhà khoa học đánh giá. Ở VN do vấn đề về cơ chế lương nên nhiều khi người ta coi làm khoa học như một nguồn để tăng thêm thu nhập.

K.HƯNG – V.V.THÀNH thực hiện

13
Th4
09

Xã hội dân sự đâu có đáng sợ

https://i0.wp.com/files.chungta.com/Thumbnail.ashx/0/180/0/092CEAE888EF445EB48A236C11CC8C8F/Nghi_dinh_Dan_chu_co_so_nam_1998_cua_Viet_Nam_de_ra_khuon_kho_phap_ly_can_thiet_de_mo_rong_su_tham_gia_truc_tiep_cua_nguoi_dan_vao_cong_tac_chinh_quye.jpg
(LĐCT) – Hơn hai chục năm trở về trước ít người dám nói đến cơ chế thị trường, đến khu vực kinh tế tư nhân: những điều cấm kỵ và đáng sợ. Số ít người dám nói và dám (liều) làm, thì bị loại bỏ, bị sa cơ lỡ vận. Rồi người ta hiểu dần, chấp nhận và ngày nay chúng không những không đáng sợ mà còn được coi trọng.

Những người tiên phong trở thành những anh hùng thật sự. Mươi năm trước ít ai dám nói đến xã hội dân sự: điều cấm kỵ và đáng sợ. Người viết về nó có thể bị cấm không được xuất cảnh. Nay xã hội dân sự không còn là điều cấm kỵ. Người ta đã bắt đầu viết và nói đến nó. Các nhà chức trách nhiều khi ủng hộ, có lúc e dè và đôi khi lo sợ. Rồi người ta sẽ hiểu, xã hội dân sự đâu có đáng sợ mà rất có ích và cần được coi trọng.

Thời kinh tế kế hoạch hoá tập trung người ta đã muốn xoá bỏ thị trường, triệt tiêu khu vực kinh tế tư nhân bằng các cuộc cải tạo nông nghiệp, công thương nghiệp. Nhưng thị trường và kinh tế tư nhân chưa bao giờ bị triệt tiêu, ngay cả những lúc bị xua đuổi gay gắt nhất. Nó bị què quặt và khiến cho nền kinh tế héo hon, người dân khổ sở.

Vì sự tồn tại, vì sự sống còn của mình mà người dân phải xé rào, bất tuân các chính sách có thể phản ánh những ước mong rất tốt đẹp nhưng chưa hợp với bản chất cuộc sống. Cũng vì sự tồn tại của chính mình nhà cầm quyền chấp nhận sự xé rào đó, để cho cuộc sống kinh tế dần trở lại hoạt động theo quy luật tự nhiên của nó. Kinh tế tư nhân và thị trường dần dần hồi phục.Đời sống của người dân được cải thiện. Nhà nước ngày càng hiểu hơn và có chính sách ủng hộ khu vực tư nhân và kinh tế thị trường hơn.

Đó, đại thể, là quá trình đổi mới vừa qua của chúng ta. Đặc trưng cơ bản của nó là giải phóng tiềm năng kinh tế đã bị ức chế, kìm kẹp từ lâu trong mỗi người dân. Cái tiềm năng sẵn có và được giải phóng đó cũng chỉ có hạn và, theo tôi, nó đã được dùng hết. Muốn có các pha phát triển mới, bền vững cần phải xây dựng, nâng cao năng lực cho mọi người, mọi tổ chức trong xã hội (kể cả các tổ chức nhà nước), chứ không chỉ cốt ở giải phóng cái tiềm năng sẵn có. Đây là việc khó hơn việc “giải phóng” nêu trên rất nhiều.

Nó đòi hỏi trí tuệ, sự hiểu biết, việc học hỏi, giao tiếp, quản trị, lập kế hoạch, đổi mới thực sự. Chúng ta đã làm được không ít theo hướng này, nhưng so với yêu cầu thì vẫn chưa thấm vào đâu. Và trong quá trình này xã hội dân sự có vai trò to lớn.

Cũng như cơ chế thị trường và khu vực tư nhân, xã hội dân sự là một khái niệm được du nhập từ ngoài vào. Hãy để ý, hơn một nửa số từ mà chúng ta thường dùng hiện nay là các từ Hán-Việt. Số từ có gốc Pháp không hiếm. Lịch sử phát triển của Việt Nam luôn gắn với sự hội nhập về nhiều mặt như vậy. Vì thế, cũng chẳng nên quá ư thận trọng, e ngại những khái niệm mà nhân loại đã dùng từ lâu nhưng còn mới với chúng ta.

Cách khôn ngoan hơn là tìm hiểu, “thuần hoá”, thích nghi, rồi lâu sau đó mới có thể sáng tạo gì thêm. Tuy là khái niệm cũ, nhưng ngày nay người ta vẫn chưa hoàn toàn thống nhất với nhau xã hội dân sự là gì. Và tôi nghĩ, cũng chẳng cần và chẳng thể có một định nghĩa chính xác, được mọi người công nhận về bất cứ khái niệm nào. Nếu thế thì sự phát triển sẽ chấm dứt.

Đại khái, xã hội dân sự là lĩnh vực của (các tổ chức) [các] hoạt động bên cạnh, bên ngoài (hoạt động của) Nhà nước, các gia đình và các tổ chức kinh tế. Có người nhìn xã hội dân sự từ khía cạnh các tổ chức không phải là tổ chức nhà nước, gia đình hay doanh nghiệp. Lại có người chú ý đến hoạt động, những công việc, các quá trình mà các nhóm người hay các tổ chức làm hoặc tiến hành.

Trong nhiều đặc trưng của các tổ chức nhà nước, thì đặc trưng quan trọng mang tính khu biệt là chúng được tổ chức theo kiểu dọc, từ trên xuống; chúng đòi hỏi sự tuân thủ; chúng có quyền lực ép buộc đối với mọi người và mọi tổ chức trong các vùng lãnh thổ mà nhà nước đó cai trị.

Đặc trưng quan trọng của các tổ chức kinh tế (kể cả hộ gia đình) là chúng tạo ra sự giàu có về vật chất; chúng đòi hỏi sự có đi có lại (trao đổi, chi trả); chúng hoạt động vì lợi nhuận.

Còn các tổ chức xã hội dân sự hoạt động trên cơ sở những mối quan tâm chung; thường theo cách tự nguyện; thường không vì lợi nhuận; chúng tạo ra sự giàu có về tinh thần. Đấy là nhưng nét đặc trưng chính có thể dùng để phân biệt các loại tổ chức với nhau.

Lưu ý rằng tổ chức ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, chúng có thể có tư cách pháp nhân, nhưng cũng có thể không có. Thí dụ về một số tổ chức hay hoạt động tạo thành xã hội dân sự là: các nhóm công dân hoạt động theo những mối quan tâm chung (từ các nhóm tập luyện thể dục, các nhóm tình nguyện giúp đỡ nhau của người có HIV, các hội đồng hương, các tổ chức cộng đồng khác); các hội nghề nghiệp như các hội tin học, hội kiến trúc, hội nuôi ong, v.v…; các tổ chức phi chính phủ; các tổ chức tôn giáo; các tổ chức nghiên cứu; các tổ chức giáo dục và đào tạo; báo giới; v.v…

Ranh giới giữa các tổ chức (nhà nước, xã hội dân sự, khu vực kinh tế) không hoàn toàn rạch ròi, mà có thể có sự chồng lấn.

Trong một xã hội phát triển hài hoà, ba loại tổ chức này hoạt động nhịp nhàng với nhau, có sự tương tác với nhau, có các cơ chế văn minh để giải quyết những xung đột (đôi khi có thể rất gay gắt) giữa chúng (giữa các loại tổ chức khác nhau hay giữa các tổ chức cùng loại).

Nếu hiểu như vậy, thì xã hội dân sự luôn tồn tại. Trong thời kinh tế kế hoạch hoá tập trung người ta không những muốn triệt tiêu thị trường, các tổ chức kinh tế tư nhân mà Nhà nước cũng thử làm thay hay kiểm soát những hoạt động thuộc xã hội dân sự. Xã hội không hài hòa, nhiều căng thẳng. Từ khoảng hai mươi năm lại đây không gian hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự được nới rộng và các tổ chức xã hội dân sự cũng đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển.

Có những cơ quan nhà nước làm việc tắc trách, có các doanh nghiệp gian lận. Cũng thế, có các tổ chức xã hội dân sự nói một đằng làm một nẻo. Phải có khung pháp lý để cho mọi loại tổ chức hoạt động, để buộc tất cả chúng phải minh bạch, phải có trách nhiệm giải trình với những người mà chúng (được cho là) đại diện, với những người cấp tài chính và với xã hội nói chung, để có cơ chế văn minh cho các tương tác, cho sự hợp tác và giải quyết xung đột giữa chúng.

Nếu làm được vậy thì sẽ góp phần đắc lực cho sự phát triển hài hoà, bền vững của đất nước. Và nhìn vấn đề như thế, thì xã hội dân sự đâu có đáng sợ mà là một nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Nguyễn Quang A
31
Th3
09

VN chuẩn bị đề án tái cấu trúc nền kinh tế

Khủng hoảng tài chánh toàn cầu, áp lực suy giảm kinh tế khiến Việt Nam đặt ưu tiên cho việc tái cơ cấu nền kinh tế.

AFP PHOTO/Hoang Dinh Nam

Sau nhiều năm tăng trưởng mạnh, kinh tế Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu.

Nam Nguyên phỏng vấn Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển, một tổ chức tư nhân ở Hà Nội, để ghi nhận ý kiến ngoài chính phủ về vấn đề này.

Nam Nguyên: Thưa TS, chính phủ VN đang chuẩn bị đề án tái cấu trúc nền kinh tế trong tình hình kinh tế thế giới suy giảm, theo ông nên bắt đầu từ đâu?

Thay đổi nhận thức, tư duy

TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ nên bắt đầu từ tư duy của chính những người hoạch định chính sách. Tái cơ cấu nền kinh tế thì phải nhìn nhận lại là nền kinh tế VN nên phát huy ở thế mạnh nào và nên hạn chế những điểm yếu nào và tạo ra những chính sách để thúc đẩy thế mạnh ấy nó phát triển lên, hạn chế bớt những mặt yếu.

Tôi nghĩ nên bắt đầu từ tư duy của chính những người hoạch định chính sách.

TS Nguyễn Quang A

Nói một cách cụ thể, riêng tôi cho rằng phải triệt để cải tổ lại khu vực kinh tế nhà nước.

Không thể để cho một khu vực tiêu tốn nguồn lực quốc gia rất lớn nhưng lại tạo ra những hiệu quả thấp. Tôi luôn luôn có bằng chứng, có số liệu chứng minh rằng những doanh nghiệp đó, tuy họ có vai trò rất quan trọng nhưng họ hoạt động không hiệu quả. Điều này không phải vì họ là doanh nghiệp nhà nước, mà vì họ không chịu áp lực cạnh tranh và họ cứ nghĩ rằng nếu họ có khó khăn thì được nhà nước và các cơ quan khác cứu trợ, cứu giúp. Nếu rút được 2 điểm này và phá thế độc quyền của họ, để cho họ phải hoạt động trong điều kiện khác biệt về mặt tài chính, tức là doanh nghiệp nhà nước mà thua lỗ cũng cho phá sản cũng như các doanh nghiệp khác, trên một bình diện luật pháp ngang như nhau, không để cho họ có quá nhiều ưu đãi như bây giờ. Làm như thế thì bản thân doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ phát triển…đối với khu vực kinh tế tư nhân là mảng sáng nhất trong nền kinh tế VN bây giờ. Ba tháng vừa qua sản lượng công nghiệp của khu vực nhà nước giảm, của khu vực đầu tư nước ngoài cũng chựng lại, nhưng khu vực tư nhân trong nước vẫn phát triển tương đối khá trong hoàn cảnh khó khăn như thế này. Thế thì mình phải nhìn ở cái bức tranh chung như thế và tôi nghĩ thay đổi ở nhận thức, thay đổi ở quan điểm phát triển thì đấy là bước quan trọng, có chạy theo số lượng tiếp hay không, hay phải lo đến chuyện môi trường phải lo đến chuyện sức khỏe của người dân, phải lo chuyện đào tạo người v.v…

Tôi nghĩ đấy là cái phải dứt khoát trong suy nghĩ, thì lúc đó mới có thể tái cơ cấu một cách triệt để được.

Nam nguyên: Thưa TS, trong cơ chế chính trị của VN hiện nay theo ông những mơ ước đó có thể trở thành hiện thực hay không?

TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ nếu có nhiều người lên tiếng góp ý thì cũng có thể có sự cải thiện nhất định nào đó, còn triệt để như tôi nói thì tôi nghĩ không phải đơn giản…,cũng là khó đấy.

Cải tổ hệ thống ngân hàng VN

Nam Nguyên: Thưa TS, hệ thống ngân hàng của VN có cần phải cải tổ hay không?

TS Nguyễn Quang A: Chắc chắn là cần được cải tổ, hệ thống ngân hàng của VN là một trong những hệ thống khá yếu kém. Bất luận trong trường hợp nào, hệ thống ngân hàng ở bất kỳ nước nào vẫn là huyết mạch của nền kinh tế, cho nên cải tổ hệ thống ngân hàng là việc hết sức quan trọng. Tuy nhiên cũng phải lưu ý một điểm là, hệ thống tài chính và ngân hàng thế giới chắc chắn sẽ có những thay đổi rất lớn trong thời gian tới và bên cạnh việc thay đổi triệt để ấy, thay đổi theo hướng như thế nào thì có lẽ mình phải chú ý thêm đến những thứ sắp sửa diễn ra trên thế giới, mình phải nhanh nhậy theo những xu hướng lớn đó. Bởi vì bản thân Việt nam khó có sức lực gì để mà ảnh hưởng tới sự biến chuyển của tình hình thế giới. Mình phải nhanh nhậy trong việc nắm bắt được những thay đổi của nền kinh tế nói chung cũng như trong hệ thống ngân hàng để mình có thể thích ứng nhanh với những biến động đó. Tôi nghĩ đấy là những điểm rất quan trọng.

Tôi nghĩ là chừng nào chưa có sự thay đổi tư duy liên quan tới đất đai, chừng nào không sửa được luật đất đai một cách khá triệt để, giao quyền sở hữu cho người dân, bớt hay loại bỏ hạn điền.

TS Nguyễn Quang A

Cải tổ luật đất đai

Nam Nguyên: Thưa lãnh vực kinh tế nông thôn ở VN trước nay vẫn có nhiều bất cập, chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn rất lớn. Nhân tái cơ cấu nền kinh tế, riêng đối với nông thôn ông nhận định như thế nào?

TS Nguyễn Quang A: Vấn đề phát triển nông thôn, tôi nghĩ là vấn đề được mọi giới ở VN quan tâm, bởi vì nó là khu vực có số lượng người rất đông. Tôi nghĩ là chừng nào chưa có sự thay đổi tư duy liên quan tới đất đai, chừng nào không sửa được luật đất đai một cách khá triệt để, giao quyền sở hữu cho người dân, bớt hay loại bỏ hạn điền. Quan trọng nhất là có những chính sách để kích thích người dân tự tập họp lại, nhà nước phải có những chính sách hỗ trợ khuyến khích sao cho họ cùng nhau tập họp tạo sức mạnh cho họ.

Nam Nguyên: Cảm ơn TS Nguyễn Quang A đã trả lời các câu hỏi của chúng tôi.

P/S: Tuy mới chuẩn bị đề án tái cấu trúc nền kinh tế nhưng tương lai sáng lạn, thoát khỏi khủng hoảng ngay năm nay đã được chính phủ khẳng định. Vấn đề giá điện tăng, giá nước tăng, lo sợ mất việc làm, thuế một số mặt hàng tăng, lô cốt tăng, lạm phát tăng……….chuyện xưa như trái đất. Choáng tí nữa ngất!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!

Việt Nam sẽ thoát khủng hoảng ngay năm nay

Việt Nam sẽ nhanh chóng ra khỏi khủng hoảng, thậm chí còn có thể thoát ra trước cả Trung Quốc, quốc gia được cho sẽ hết khủng hoảng ngay những tháng sắp tới, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đánh giá trong phiên họp Chính phủ sáng 31/3.
> Tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong nhiều năm/ ‘Kích cầu đang phát huy hiệu quả’

Mặc dù 8h mới bắt đầu buổi giao ban nhưng nhiều lãnh đạo địa phương đã có mặt trước màn hình trực tuyến từ rất sớm. 7h30 trong trang phục comple sẫm màu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có mặt trước máy ghi hình tại Văn phòng Chính phủ.

Đề cập đến gói kích cầu 17.000 tỷ đồng, đa số thành viên Chính phủ đều nhất trí sắp tới, gói kích cầu sẽ không chỉ hỗ trợ giảm 4% lãi suất vốn vay lưu động ngắn hạn cho doanh nghiệp trong năm 2009 mà sẽ mở rộng cho các khoản vay trung và dài hạn. Tuy nhiên, ông Vũ Viết Ngoạn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, với tốc độ sử dụng vốn và kế hoạch tín dụng hiện nay, cả năm khả năng giải ngân gói kích cầu chỉ dừng lại tối đa ở mức 6.000 tỷ đồng. “Theo tôi, con số 6.000 tỷ đồng tuy không đạt được mục tiêu những cũng sẽ góp phần rất lớn để vực dậy nền kinh tế trong nước”, ông Ngoạn nói.

Kỳ giao ban trực tuyến đầu tiên diễn ra rất suôn sẻ. Ảnh: chinhphu.vn.

Cũng trong phiên giao ban trực tuyến cuối cùng với 63 tỉnh, thành sáng nay, tất cả thành viên Chính phủ đã bày tỏ niềm tin với triển vọng sáng sủa của nền kinh tế trong những tháng kế tiếp. Đề xuất hạ chỉ tiêu tăng trưởng GDP xuống 5% cũng được tán thành.

Là vị Phó thủ tướng đầu tiên phát biểu trong kỳ họp này, ông Hoàng Trung Hải cho rằng, mục tiêu tăng 5% GDP là “phải đạt được”. Theo ông Hải, những dấu hiệu tốt của nền kinh tế những tháng đầu năm khiến mục tiêu này là hoàn toàn có có sở. Trong thời gian tới, khâu giải phóng mặt bằng cho các dự án sẽ được tập trung hơn vì nó cũng là biện pháp kích cầu cho khu vực nông thôn.

Cũng liên quan đến khu vực chiếm hơn 70% dân số cả nước, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đề án đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn đã hoàn thành. “Trong tuần tới sẽ trình Chính phủ để thực hiện luôn trong năm nay”, ông Nhân nói.

Trong buổi sáng nay, lĩnh vực nông nghiệp được các thành viên Chính phủ dành nhiều khen ngợi. Theo số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, hầu hết các lĩnh vực nông nghiệp đều tăng trưởng trong quý I, chỉ trừ lĩnh vực nuôi trồng thủy sản sụt giảm ở mức không đáng kể là 0,5%.

Hà Nội là một trong bốn địa phương được tham gia góp ý tại lần giao ban này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn ở những lần sau, số địa phương tham gia sẽ tăng lên. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Phát biểu cuối cùng trong số các Phó thủ tướng, ông Nguyễn Sinh Hùng đưa ra những nhận định khá lạc quan. Theo ông, với quy mô kinh tế khá nhỏ cũng như mức độ hội nhập chưa sâu vào kinh tế thế giới, Việt Nam sẽ nhanh chóng ra khỏi khủng hoảng, thậm chí, còn có thể thoát ra trước cả Trung Quốc, quốc gia được cho sẽ ra khỏi khủng hoảng ngay những tháng sắp tới.

Phó thủ tướng cho rằng, những dấu hiệu tích cực trong quý I sẽ tạo ra xu hướng phát triển cho những quý tiếp theo. “Vấn đề của chúng ta bây giờ không chỉ là duy trì đà tăng trưởng mà còn cần quyết tâm phục hồi tốc độ tăng trưởng khi đã nhìn thấy đáy của suy thoái”, ông Hùng nói.

Con số tăng trưởng GDP 5% và bội chi ngân sách tối đa 8% GDP được người đứng đầu Chính phủ chốt lại để trình Quốc hội vào thời gian tới.

Nhận định về tình hình kinh tế – xã hội của đất nước trong thời gian tới, Thủ tướng khẳng định, những quý tiếp theo tốc độ tăng trưởng chắc chắn sẽ cao hơn. “Đây hoàn toàn không phải là một đánh giá tô hồng vì chúng ta có cơ sở để tin tưởng”, Thủ tướng nói.

Về giải pháp để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng đề nghị tập trung kích cầu cho khu vực nông thôn, cho nông dân vay vốn để mua sắm máy móc sản xuất, cơ giới hóa nông thôn; xúc tiền thương mại; tiếp thực hiện tốt chính sách tiền tệ… Các giải pháp an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm cũng được Thủ tướng nhắc nhở tới từng thành viên Chính phủ.

Sau một ngày rưỡi, không có trục trặc kỹ thuật nào xảy ra đối với các buổi giao ban trực tuyến lần đầu được thực hiện với quy mô 64 đầu cầu. Tuy nhiên, ở lần này, chỉ có 4 địa phương là Hà Nội, TP HCM, Thanh Hóa và Khánh Hòa được dành thời gian phát biểu ý kiến.

Nguyễn Hưng

25
Th3
09

Kích tư duy

https://i0.wp.com/www.daiabank.com.vn/upload/ts%20nguyen%20quang%20a_1234862940.jpg

Một trong những cách tính GDP là: GDP = tổng đầu tư + tổng tiêu dùng + xuất khẩu ròng. Tổng đầu tư và tiêu dùng còn được gọi là tổng cầu. Vì thế khi nền kinh tế suy giảm, người ta thường dùng biện pháp kích thích đầu tư và tiêu dùng (kích cầu) cũng không khó hiểu.

Tháng 12-2008 để chặn suy giảm kinh tế chính phủ đã đưa ra ý tưởng về các biện pháp và gói kích cầu. Còn chưa rõ lấy tiền đâu ra cho gói kích cầu 1 tỷ USD rồi 6 tỷ USD. Quốc hội cho rằng “chi 1 tỷ USD kích cầu phải được Quốc hội quyết”.

Rất đúng. Ở các nước khác các khoản chi như vậy phải được quốc hội thông qua và có luật riêng cho khoản chi đó vì xét cho cùng đó là chi tiền của dân. Theo Luật Việt Nam cũng vậy. Biết thế nên trong bài tuần trước, năm ngoái, tôi đã chỉ dám hỏi “Quốc hội sẽ thông qua gói kích thích này ra sao? Lấy nguồn ở đâu ra dùng cho gói kích thích này? Nên kích thích vào khu vực nào, địa phương nào? Tiến độ tiến hành ra sao?”

Trong lúc mọi bộ, mọi ngành, mọi doanh nghiệp đang cố “chạy” để được phân bổ từ gói kích cầu còn chưa rõ này, nhân năm mới xin lạm bàn về một “gói” tốn ít tiền, dễ làm (nếu muốn) nhưng cũng cực khó. Đấy là “kích” tư duy.

Đối với con người, xét cho cùng mọi thành công hay thất bại đều xuất phát từ tư duy. Biết hiện trạng, xác định mục tiêu và vạch ra đường hướng, chính sách và các kế hoạch hành động để đạt những mục tiêu đề ra từ điều kiện ban đầu, từ hiện trạng. Đó là công việc của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức cũng như mỗi đất nước.

Cách đây mấy chục năm người ta nghĩ “tổ chức” tư duy thay cho tất cả. Mọi người chỉ cần ngoan ngoãn nghe, quán triệt và làm theo tư duy của đội tiên phong, của những người nắm được “khoa học”, “chân lý” và muốn điều tốt cho mọi người: xây dựng thiên đường cho họ trên trái đất. Người dân “ỷ lại” vào nhà nước. Các tổ chức khác cũng vậy. Tư duy đối với họ dường như không quan trọng. Tất cả đã có nhà nước lo, từ cái kim sợi chỉ, miếng cơm manh áo, học hành cho đến chuyện chôn cất khi chết. Đấy là đặc trưng cơ bản của thời bao cấp, kế hoạch hóa tập trung. Tư duy bị tê liệt và chỉ còn là đặc quyền của một nhóm người.

Đáng tiếc, cuộc sống không đơn giản như vậy. Thay cho xây được thiên đường trên trái đất, kiểu tư duy đó đã làm cho rất nhiều người khốn khổ, nghèo đói. Bị dồn đến đường cùng, vì sự tồn tại của mình người nông dân đã phải phá rào, không còn quán triệt và nghe theo nữa và làm theo sự mách bảo của suy nghĩ của chính mình như tự ngàn xưa. Rồi một số doanh nghiệp và địa phương cũng xé rào. Đổi mới bắt đầu từ dưới lên. Cuộc sống được cải thiện. Nhà nước đã nhận ra cái sai của mình và để cho dân được tư duy về kinh tế tự do hơn.

“Đổi mới” thực chất là nhà nước sửa sai của mình, trả lại một phần quyền tự do kinh tế cho người dân. Nhưng cái vết cũ – sự ỷ lại, không năng động tư duy của người dân, thói độc quyền tư duy của người có chức có quyền – còn hằn rất sâu. Chính vì thế “kích” tư duy là vô cùng cần thiết cho sự chấn hưng đất nước.

Kích cầu là công việc ngắn hạn, khẩn cấp khi kinh tế suy giảm, còn kích tư duy là công việc thường xuyên, không tốn quá nhiều tiền, dễ làm (nếu có quyết tâm) nhưng cũng rất khó hay không thể làm được nếu không muốn.

Chấn hưng giáo dục là cơ sở, là cái nền để kích tư duy.

Trong lĩnh vực kinh tế chúng ta đã có nhiều tiến bộ trong hơn 20 năm đổi mới, nhưng lĩnh vực giáo dục là lĩnh vực chưa có mấy đổi mới. Cái triết lý giáo dục cũ thời bao cấp vẫn quá nặng. Lời nói, lời hô hào theo kiểu phong trào có thể có vẻ “đổi mới” song cái cốt lõi vẫn như cũ: dạy người ta vâng lời, ngoan ngoãn, nghe theo chứ không phải để làm người yêu tự do, biết tư duy, biết tự mình tìm cách giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, bản thân ngành giáo dục khó có thể thay đổi nếu không có sự “đổi mới tư duy” cao hơn. Sơ sơ thế là đã gần chạm đến cái cực khó của kích tư duy, hãy quay về những việc có lẽ dễ hơn và gần chuyện “kích cầu” hơn.

Kích cầu là chuyện khẩn cấp, ngắn hạn. Và trong lúc khẩn cấp Quốc hội “có thể họp bất thường” để tìm cách giải quyết. Nếu được vậy thì đó là tín hiệu vui. Nhưng thực ra quốc hội nên chuyên nghiệp, không có các đại biểu kiêm nhiệm (giữ chức vụ trong chính quyền cũng như trong doanh nghiệp), họp liên tục (thời gian nghỉ họp chỉ vào các dịp lễ, tết).

Quốc hội là cơ quan làm “phần mềm”, phần quan trọng nhất trong hệ thống vận hành xã hội. Kích tư duy ở đây là kích trúng chỗ nhất. Tất nhiên phải kích ở từng người, từng gia đình, từng doanh nghiệp và từng tổ chức khác, song những phần mềm do chính phủ đề xuất, soạn thảo được quốc hội xem xét và thông qua có tầm ảnh hưởng bao trùm lên cả nước, nên ưu tiên hiển nhiên là phải ở đây và ở các cơ quan nhà nước khác.

Quy định pháp lý là do con người làm ra. Có rất nhiều quy định còn cản trở sự phát triển. Rà soát lại chúng, sửa chúng, đào tạo người để thực thi chúng một cách nghiêm minh, phát hiện ra những lỗi mới, những cản trở mới và lại sửa tiếp. Không có và không bao giờ có quy định hoàn hảo. Quá trình rà soát, sửa này phải làm liên tục. Chỉ xin nêu vài thí dụ.

Ai cũng than chúng ta thừa thầy thiếu thợ. Cái lỗi chính là trong luật giáo dục. Cải cách giáo dục toàn diện cần thời gian, nhưng sửa (1 phần) hệ thống để cải thiện tình hình này thì đơn giản: phân luồng học sinh sau khi học xong trung học cơ sở, một phần học tiếp trung học phổ thông, một phần lớn sang học nghề nhưng liên thông mở ra khả năng có thể học tiếp lên cao đẳng và đại học. Để cho 1 bộ quản lý thống nhất, chứ không phải 2 bộ như hiện nay. Ý tưởng này hầu như được mọi chuyên gia thống nhất. Sao quốc hội không sửa vài câu trong luật để có thể tiết kiệm nhiều năm trời cho cả chục triệu người và bao nhiêu tiền của cho xã hội?

Hàng năm những người về hưu phải lên cơ quan bảo hiểm xã hội ký giấy tờ vài lần. Người dân xếp hàng rồng rắn xin cấp mã số thuế. Thủ tục xây dựng, nhà đất, v.v. rất mất thời gian. Hoàn toàn có thể đơn giản hóa đi để dân đỡ khổ và quản lý tốt hơn. Thủ tục do con người tạo ra. Hãy kích tư duy của người dân, của tổ chức để họ động não góp ý cho nhà nước, và nhà nước hãy lắng nghe và tìm cách thay đổi. Còn bao nhiêu việc có thể làm ngay như vậy?

Ai cũng kêu về lãi suất thỏa thuận và trần lãi suất. Nếu bỏ khoản 1 Điều 476 của Bộ Luật dân sự (Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng) sẽ giải tỏa được bao nguồn vốn lớn hơn gói kích cầu 1 tỷ USD nhiều lần. Vậy sao không sửa luật ấy đi. Nếu quyết tâm làm chỉ tốn vài giờ.

Và còn luật đất đai và bao luật khác. Còn cơ man nào là nghị định và thông tư. Sửa từng tí một, không nên cầu toàn.

Hãy kích tư duy để người dân tham gia để thay đổi. Kích tư duy còn quan trọng gấp bội lần kích cầu.

Nguyễn Quang A
17
Th3
09

Chủ nghĩa tư bản vượt xa hơn cuộc khủng hoảng

Xem hình
Amartya Sen. Ảnh idrc.ca

1.

2008 là một năm của các cuộc khủng hoảng. Trước tiên, chúng ta đã có một cuộc khủng hoảng lương thực, đặc biệt đe dọa đến người tiêu dùng nghèo, nhất là ở châu Phi. Cùng với nó là một sự tăng giá dầu kỷ lục, đe dọa tất cả các quốc gia nhập khẩu dầu. Cuối cùng, khá bất ngờ vào mùa thu, suy giảm kinh tế toàn cầu ập đến, và bây giờ đang tăng tốc với mức độ khủng khiếp. Năm 2009 dường như có nhiều khả năng là suy giảm sẽ gia tăng gay gắt, và nhiều nhà kinh tế đang tiên liệu một cuộc suy thoái hoàn toàn, thậm chí lớn như suy thoái trong các năm 1930. Trong khi những “gia tài” kếch xù đã bị sụt giảm quá mức, những người bị ảnh hưởng nhiều nhất lại là những người đã bị thua thiệt nhất rồi.

Câu hỏi nổi lên gay gắt nhất bây giờ liên quan đến bản chất của chủ nghĩa tư bản và liệu nó có cần phải được thay đổi hay không. Một số người bảo vệ chủ nghĩa tư bản vô độ [không bị kiềm chế], những người chống lại sự thay đổi, tin chắc rằng chủ nghĩa tư bản bị đổ lỗi quá nhiều vì các vấn đề kinh tế ngắn hạn – các vấn đề mà họ gán cho các thuộc tính khác nhau như sự quản trị tồi (ví dụ từ chính quyền Bush) và hành vi xấu của một số cá nhân (hay như cái mà John McCain mô tả trong cuộc vận động bầu cử tổng thống là “sự tham lam của Wall Street”). Những người khác, tuy nhiên, có nhìn thấy những khuyết tật thật sự nghiêm trọng trong những cách sắp xếp kinh tế hiện tồn và muốn cải cách chúng, tìm kiếm một cách tiếp cận thay thế khác, ngày càng được gọi là “chủ nghĩa tư bản mới.”

Ý tưởng về chủ nghĩa tư bản cũ và mới đã tiếp sinh lực cho một hội thảo được gọi là “Thế giới mới, Chủ nghĩa tư bản mới” được tổ chức tại Paris vào tháng 1-2009, do Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair làm chủ, cả hai người đã hùng hồn trình bày về sự cần thiết phải thay đổi. Bà Thủ tướng Đức, Angela Merkel, cũng thế, bà nói về ý tưởng cũ của Đức, về một “thị trường xã hội” – một thị trường được kiềm chế bởi một hỗn hợp của các chính sách tạo đồng thuận – như là một kế hoạch khả dĩ cho chủ nghĩa tư bản mới (dù Đức đã không làm tốt hơn mấy các nền kinh tế thị trường khác trong khủng hoảng mới đây).

Ý tưởng về thay đổi tổ chức xã hội trong dài hạn rõ ràng là cần thiết, độc lập với các chiến lược đối phó với cuộc khủng hoảng trước mắt. Tôi sẽ tách ba câu hỏi ra khỏi nhiều câu hỏi có thể được nêu lên. Trước tiên, chúng ta có thực sự cần một loại “chủ nghĩa tư bản mới” nào đó hơn là một hệ thống kinh tế không đơn nhất, dựa trên các định chế đa dạng khác nhau được lựa chọn một cách thực dụng, và dựa trên các giá trị xã hội mà chúng ta có thể bảo được vệ về mặt đạo đức? Chúng ta có cần tìm kiếm một chủ nghĩa tư bản mới hay một “thế giới mới” – dùng thuật ngữ khác được nhắc tới tại hội nghị Paris – cái có một dạng khác hay không?

Câu hỏi thứ hai liên quan đến loại kinh tế học mà chúng ta cần đến hiện nay, đặc biệt dưới ánh sáng của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện thời. Chúng ta đánh giá thế nào về cái được các nhà kinh tế học hàn lâm dạy và bênh vực như kim chỉ nam cho chính sách kinh tế – kể cả sự hồi sinh của tư tưởng Keynesian trong những tháng gần đây khi cuộc khủng hoảng trở nên dữ dội? Cụ thể hơn, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện thời chỉ cho chúng ta biết cái gì về các định chế và các ưu tiên mà chúng ta cần tìm? Thứ ba, ngoài việc học cách để có một đánh giá tốt hơn về những thay đổi dài hạn nào là cần thiết, chúng ta phải suy nghĩ – và phải suy nghĩ nhanh – về làm sao để ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay với ít thiệt hại nhất có thể.

2.

Các đặc trưng đặc biệt nào là cái khiến cho một hệ thống rõ ràng là tư bản chủ nghĩa – cũ hoặc mới? Nếu hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa hiện tại phải được cải tổ, cái gì sẽ khiến cho kết quả cuối cùng là chủ nghĩa tư bản mới, chứ không phải là cái gì đó khác? Dường như thường được giả định rằng các giao dịch kinh tế dựa vào các thị trường là một điều kiện cần cho một nền kinh tế được coi là tư bản chủ nghĩa. Tương tự, sự tin cậy vào động cơ lợi nhuận và vào các phần thưởng cá nhân dựa trên quyền sở hữu tư nhân được coi là các đặc tính tiêu biểu của chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, nếu đấy là các điều kiện cần, thì liệu các hệ thống kinh tế mà chúng ta đang có, ví dụ, ở Châu Âu và Mỹ, có thật sự là tư bản chủ nghĩa hay không?

Tất cả các nước giàu có trên thế giới – các nước ở Châu Âu, cũng như Mỹ, Canada, Nhật, Singapore, Hàn Quốc, Úc, và các nước khác – trong một thời gian khá dài đến nay đã một phần phụ thuộc vào các giao dịch và các khoản thanh toán xảy ra phần lớn ở bên ngoài các thị trường. Các khoản này bao gồm trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp công, các khoản an sinh xã hội khác và cung cấp giáo dục, y tế, và nhiều thứ dịch vụ khác được phân phối thông qua những dàn xếp phi thị trường. Những quyền được hưởng kinh tế gắn với các dịch vụ như vậy không dựa trên quyền sở hữu tư nhân và các quyền tài sản.

Hơn nữa, hoạt động của chính nền kinh tế thị trường phụ thuộc không chỉ vào việc tối đa hóa lợi nhuận, mà còn vào nhiều hoạt động khác nữa, chẳng hạn như duy trì an ninh công cộng và cung cấp các dịch vụ công – một số trong số đó đưa con người ra khá xa một một nền kinh tế chỉ do lợi nhuận dẫn dắt. Thành tích đáng ca ngợi của cái được gọi là hệ thống tư bản chủ nghĩa, khi tình hình tiến triển, là nhờ sự kết hợp của các định chế – mà giáo dục, y tế, và vận tải hành khách do nhà nước tài trợ chỉ là vài trong nhiều thứ – những thứ vượt quá xa sự dựa vào nền kinh tế tối đa hóa lợi nhuận và vào các quyền thụ hưởng cá nhân gắn với quyền sở hữu tư nhân.

Bên dưới vấn đề này là một câu hỏi cơ bản: ngày nay liệu chủ nghĩa tư bản có còn là một thuật ngữ hữu ích nữa hay không. Ý tưởng về chủ nghĩa tư bản đã thực sự có một vai trò quan trọng về mặt lịch sử, nhưng bây giờ tính hữu ích đó có thể đã hết sạch rồi.

Thí dụ, các công trình tiên phong của Adam Smith trong thế kỷ mười tám đã cho thấy tính hữu ích và tính năng động của nền kinh tế thị trường, và vì sao – và đặc biệt là làm thế nào – mà tính năng động đó vận hành. Nghiên cứu của Smith đã cung cấp một chẩn đoán làm sáng tỏ hoạt động của thị trường đúng khi tính năng động đó nổi lên mạnh mẽ. Đóng góp mà The Wealth of Nation [Sự thịnh vượng của các Quốc gia] được xuất bản năm 1776, đã mang lại cho sự hiểu biết về cái sau đó được gọi là chủ nghĩa tư bản, là vĩ đại. Smith đã cho thấy tự do hóa thương mại rất thường xuyên có thể là vô cùng hữu ích trong việc tạo ra sự thịnh vượng kinh tế thông qua chuyên môn hóa sản xuất và phân công lao động và lợi dụng sự tiết kiệm do quy mô lớn.

Những bài học đó vẫn thích đáng một cách sâu sắc ngay cả ngày nay (thú vị là công trình ấn tượng và mang tính giải tích rất tinh tế về thương mại quốc tế, do nó mà Paul Krugman mới vừa nhận được giải thưởng Nobel kinh tế, gắn chặt chẽ với những thấu hiểu sâu rộng của Smith hơn 230 năm trước). Những phân tích kinh tế tiếp sau những giải thích ban đầu đó trong thế kỷ mười tám về các thị trường và việc dùng vốn đã thành công trong việc xây dựng hệ thống thị trường một cách vững chãi trong phần chính của kinh tế học dòng chủ lưu.

Tuy nhiên, ngay cả khi những đóng góp tích cực của chủ nghĩa tư bản thông qua các quá trình thị trường đã được làm rõ và được giải nghĩa, các mặt tiêu cực của nó cũng đã trở nên rõ ràng – thường là rõ đối với chính các nhà phân tích ấy. Trong khi một số nhà phê bình xã hội chủ nghĩa, nổi bật nhất là Karl Marx, đã lập luận một cách thuyết phục ủng hộ việc chỉ trích và cuối cùng là việc thay thế chủ nghĩa tư bản, những hạn chế rất lớn của việc dựa hoàn toàn vào kinh tế thị trường và vào động cơ lợi nhuận cũng đã khá rõ, ngay cả với Adam Smith. Quả thật, những người sớm chủ trương dùng các thị trường, bao gồm Smith, đã không coi cơ chế thị trường thuần túy là một diễn viên xuất sắc đứng trơ trọi, và họ cũng đã chẳng coi động cơ lợi nhuận là tất cả những gì cần đến.

Mặc dù người ta tìm cách buôn bán vì tư lợi (như Smith đã diễn đạt một cách tài tình, không cần gì nhiều hơn là [chỉ cần dùng] sự tư lợi để giải thích vì sao những người làm bánh mì, nấu rượu bia, mổ thịt, và tiêu dùng lại tìm cách mua bán), mặc dù vậy một nền kinh tế có thể hoạt động hiệu quả chỉ trên cơ sở sự tin cậy giữa các bên khác nhau. Khi những hoạt động kinh doanh, bao gồm cả hoạt động của các ngân hàng và các tổ chức tài chính, tạo niềm tin rằng chúng có thể và sẽ làm những việc mà chúng cam kết, thì các mối quan hệ giữa những người cho vay và đi vay có thể diễn ra một cách trôi chảy theo cách hỗ trợ lẫn nhau. Như Adam Smith đã viết:

Khi người dân của bất kỳ nước cụ thể nào có sự tin cậy như vậy vào sự thịnh vượng, tính trung thực, và sự cẩn trọng của một nhà ngân hàng cá biệt nào đó, như tin rằng ông ta luôn sẵn sàng chi trả khi có yêu cầu, như khi trình lệnh phiếu bất cứ lúc nào cho ông ta; thì các [lệnh] phiếu đó có cùng thời gian lưu thông như [thời gian lưu thông] của tiền vàng và tiền bạc, từ niềm tin rằng tiền như vậy có thể có [dùng được] vào bất kỳ lúc nào đối với họ. [1]

Smith đã giải thích vì sao điều này đôi khi không xảy ra, và giả như còn sống, tôi ngụ ý, ông đã không thấy bất cứ gì đặc biệt hóc búa cả về những khó khăn ngày hôm nay mà doanh nghiệp và các ngân hàng phải đối mặt do nỗi lo sợ và thiếu tin tưởng tràn lan khiến các thị trường tín dụng đóng băng và cản trở sự bành trướng tín dụng.

Cũng đáng nhắc tới trong bối cảnh này, đặc biệt vì “nhà nước phúc lợi” chỉ nổi lên sau thời của chính Smith khá lâu, rằng trong các bài viết khác nhau của mình, ông đã rất mực bận tâm – và lo lắng – về số phận của người nghèo và người tàn tật, một điều nổi bật đầy ấn tượng. Thất bại trực tiếp nhất của cơ chế thị trường nằm ở những thứ mà thị trường bỏ không làm. Phân tích kinh tế của Smith cũng vượt quá khá xa việc để mọi thứ phó mặc cho bàn tay vô hình của cơ chế thị trường. Ông đã không chỉ là một người bảo vệ vai trò của nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ công, như giáo dục, giảm nghèo (cùng với đòi hỏi cho những người nghèo khổ, những người nhận được sự trợ giúp, quyền tự do cao hơn mức mà Luật Người nghèo của thời ông cung cấp), ông cũng đã lo ngại sâu sắc về sự bất bình đẳng và nghèo đói những thứ vẫn có thể còn lại ngay cả trong một nền kinh tế thị trường thành công.

Sự thiếu rõ ràng trong việc phân biệt giữa [các điều kiện] cần và đủ của thị trường là cái chịu trách nhiệm về một số hiểu lầm của nhiều người vẫn coi mình là môn đồ của Smith về sự đánh giá cơ chế thị trường của ông. Thí dụ, việc Smith bảo vệ thị trường thực phẩm và việc ông phê phán những hạn chế của nhà nước lên thương mại tư nhân về lương thực thường được diễn giải như lý lẽ rằng bất kỳ sự can thiệp nào của nhà nước cũng nhất thiết làm cho sự đói và chết đói trầm trọng hơn.

Nhưng sự bảo vệ thương mại tư nhân của Smith đã chỉ được tiến hành dưới dạng tranh luận về niềm tin rằng ngừng kinh doanh thực phẩm sẽ giúp giảm bớt gánh nặng đói. Điều đó theo bất cứ cách nào không hề phủ nhận nhu cầu về hành động của nhà nước nhằm bổ sung cho các hoạt động thị trường bằng cách tạo công ăn việc làm và thu nhập (thí dụ, thông qua chương trình việc làm). Nếu thất nghiệp tăng gay gắt do tình hình kinh tế xấu hay do chính sách công tồi, thì thị trường tự nó sẽ không tái tạo ra các khoản thu nhập của những người bị mất việc. Người mới thất nghiệp, Smith viết, “hoặc bị đói, hay phải lao đi kiếm kế sinh nhai hoặc bằng cách ăn xin, hay phạm tội có lẽ cả loại tàn ác nhất,” và “sự túng thiếu, đói, và chết chóc sẽ hoành hành ngay lập tức ….” [2] Smith bác bỏ những sự can thiệp mà loại trừ thị trường – nhưng không bác bỏ những can thiệp bao gồm thị trường và nhằm làm những điều quan trọng mà thị trường có thể bỏ không làm.

Smith chưa bao giờ sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản” (chí ít trong chừng mực mà tôi đã có thể theo dõi), nhưng từ các công trình của ông cũng khó tạo ra bất cứ lý thuyết nào bàn về tính đầy đủ của các lực lượng thị trường, hay về sự cần phải chấp nhận ưu thế của vốn. Ông nói về tầm quan trọng của các giá trị rộng hơn vượt quá lợi nhuận trong cuốn The Wealth of Nations [Sự thịnh vượng của các Quốc gia], nhưng chính cuốn sách đầu tiên của ông, cuốn The Theory of Moral Sentiments [Lý thuyết về Tình cảm Đạo đức], được công bố chính xác một phần tư thiên niên kỷ trước, vào năm 1759, trong đó ông đã điều tra sâu rộng về đòi hỏi mạnh mẽ đối với các hành động dựa trên các giá trị vượt xa hơn sự tìm kiếm lợi nhuận. Trong khi ông viết rằng “tính cẩn trọng” là [một trong] “tất cả các đức hạnh hữu ích nhất đối với cá nhân,” Adam Smith đã tiếp tục tranh luận rằng “tính nhân đạo, công lý, tính rộng lượng, và tinh thần công cộng, là những phẩm chất hữu ích nhất đối với những người khác.” [3]

Smith coi các thị trường và vốn như làm tốt công việc bên trong phạm vi riêng của chúng, nhưng trước hết, chúng cần đến sự hỗ trợ từ các định chế khác – bao gồm các dịch vụ công như các trường học – và các giá trị khác sự tìm kiếm lợi nhuận thuần túy, và thứ hai, chúng cần sự kiềm chế và hiệu chỉnh bởi các định chế khác nữa – thí dụ, các quy chế tài chính được thiết kế khéo và sự hỗ trợ của nhà nước cho người nghèo – để ngăn chặn sự bất ổn định, bất bình đẳng, và bất công. Nếu chúng ta đi tìm một cách tiếp cận mới để tổ chức các hoạt động kinh tế bao gồm một lựa chọn thực dụng về nhiều thứ dịch vụ công và các quy chế được thiết kế khéo, thì chúng ta nên đi theo hơn là đi trệch chương trình nghị sự cải cách mà Smith đã vạch ra, bởi vì ông đã vừa bảo vệ vừa chỉ trích chủ nghĩa tư bản.

3.

Về mặt lịch sử, chủ nghĩa tư bản đã không nổi lên cho đến khi có các hệ thống mới về pháp luật và về tập quán kinh tế bảo vệ quyền tài sản và làm cho một nền kinh tế dựa trên quyền sở hữu có thể vận hành được. Trao đổi thương mại đã không thể diễn ra một cách hiệu quả trước khi đạo đức kinh doanh khiến cho cách cư xử hợp đồng trở nên bền vững và không tốn kém – thí dụ, không đòi hỏi phải kiện cáo liên miên các nhà thầu phạm lỗi. Đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất đã không thể phát đạt cho đến khi các khoản kiếm được từ tham nhũng đã bớt đi. Chủ nghĩa tư bản theo định hướng lợi nhuận đã luôn luôn cần đến sự hỗ trợ từ các giá trị định chế khác.

Các nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý và đạo đức gắn với các giao dịch đã trở nên rất khó theo dõi trong các năm gần đây, do sự phát triển nhanh chóng của các thị trường thứ cấp liên quan đến các sản phẩm phái sinh và các công cụ tài chính khác. Một người cho vay dưới chuẩn lừa người đi vay nhận những rủi ro dại dột, bây giờ có thể gian dối tống các tài sản tài chính cho các bên thứ ba – những người cách xa với giao dịch ban đầu. Trách nhiệm giải trình bị xói mòn nghiêm trọng, và sự cần thiết về giám sát và điều tiết trở nên mạnh mẽ hơn nhiều.

Và đến nay trong cùng giai đoạn, đặc biệt vai trò giám sát của chính phủ Hoa Kỳ đã bị cắt bớt mạnh mẽ do sự gia tăng niềm tin vào bản chất tự-điều chỉnh của nền kinh tế thị trường. Chính xác khi nhu cầu về giám sát của nhà nước phải tăng, thì công việc giám sát cần thiết bị co lại. Kết quả là, đã có tai họa đang chờ xảy ra, mà cuối cùng đã xảy ra năm ngoái, và điều này chắc chắn đã đóng góp rất nhiều vào cuộc khủng hoảng tài chính ngày nay đang lây ra khắp thế giới. Việc thiếu điều tiết các hoạt động tài chính có các hệ lụy không chỉ đối với các tập quán bất hợp pháp, mà còn đối với xu hướng đầu cơ quá đáng mà xu hướng đó, như Adam Smith lập luận, thường hay cuốn hút nhiều người hối hả lao vào tìm kiếm lợi nhuận.

Smith đã gọi những người ủng hộ rủi ro quá trớn trong tìm kiếm lợi nhuận là “những kẻ hoang toàng và phóng túng” – đó là mô tả khá tốt về những kẻ phát hành các văn tự thế chấp dưới chuẩn trong vài năm qua. Thí dụ, thảo luận các đạo luật chống lại việc cho vay nặng lãi, Smith đã đòi hỏi nhà nước ra quy định để bảo vệ các công dân khỏi “những kẻ hoang toàng và phóng túng” những người ủng hộ các khoản vay không lành mạnh:

Theo cách đó một phần lớn vốn của đất nước bị đẩy khỏi tay những người rất có thể sử dụng nó một cách sinh lợi và có ích, và quăng vào tay những kẻ rất có thể sẽ lãng phí và hủy hoại nó. [4]

Lòng tin ngấm ngầm vào khả năng tự – điều chỉnh của nền kinh tế thị trường, là cái chịu trách nhiệm phần lớn về việc loại bỏ những quy định đã được thiết lập tại Hoa Kỳ, thường hay bỏ qua hoạt động của những kẻ hoang toàng và phóng túng theo cách đã làm cho Adam Smith bị sốc.

Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay một phần do sự đánh giá rất quá đáng về sự sáng suốt của các quá trình thị trường gây ra, và bây giờ cuộc khủng hoảng đang bị thổi phồng bởi sự lo lắng và thiếu tin cậy vào thị trường tài chính và vào các doanh nghiệp nói chung – những sự đáp lại đã là hiển nhiên trong các phản ứng thị trường đối với chuỗi các kế hoạch kích thích, kể cả kế hoạch 787 tỷ $ mà chính quyền mới của Obama vừa ký thành luật vào tháng hai. Tình cờ là, những vấn đề này đã được Smith nhận ra rồi trong thế kỷ mười tám, dù là chúng đã bị bỏ quên bởi những người có thẩm quyền trong những năm gần đây, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, và những người đó đã miệt mài trích dẫn Adam Smith để ủng hộ thị trường tự do.

4.

Trong khi gần đây Adam Smith được trích dẫn nhiều, cho dù không được đọc mấy, còn John Maynard Keynes đã có sự phục hồi mạnh mẽ ngay cả gần đây hơn. Chắc chắn, sự suy giảm tích tụ mà chúng ta thấy đúng bây giờ, đang lôi chúng ta đến gần một cuộc suy thoái, có những nét Keynesian rõ ràng; thu nhập bị giảm của một nhóm người dẫn đến sức mua của họ giảm, rồi đến lượt nó gây ra sự sụt giảm hơn nữa thu nhập của những người khác.

Tuy nhiên, Keynes có thể là vị cứu tinh của chúng ta chỉ ở mức độ một phần, và cần phải nhìn quá ông để hiểu cuộc khủng hoảng hiện thời. Một nhà kinh tế học mà tính thỏa đáng hiện thời của ông đã được biết đến ít hơn rất nhiều là Arthur Cecil Pigou, đối thủ của Keynes, giống như Keynes ông cũng ở Cambridge, quả thật cũng ở trường Kings College, trong thời của Keynes. Pigou đã bận tâm hơn Keynes rất nhiều với tâm lý học kinh tế và cách thức nó có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh doanh và khiến cho suy giảm gay gắt và căng thẳng có thể đưa chúng ta đến một cuộc suy thoái (như quả thực chúng ta đang thấy bây giờ). Pigou quy những biến động kinh tế một phần cho “các nguyên nhân tâm lý” bao gồm:

những thay đổi về sắc thái tinh thần của những người có hành động kiểm soát ngành công nghiệp, nổi lên trong những sai lầm của sự lạc quan quá mức hoặc bi quan quá đáng trong những dự báo kinh doanh của họ.[5]

Là khó để bỏ qua sự thực rằng ngày nay, ngoài các tác động Keynesian về sự sa sút tăng cường lẫn nhau, chúng ta chứng kiến sự hiện diện mạnh mẽ của “những sai lầm …bi quan quá đáng.” Pigou, đặc biệt tập trung vào sự cần thiết phải làm tan băng thị trường tín dụng khi nền kinh tế bị cuốn vào sự bi quan quá mức:

Vì thế, khi mọi thứ khác như nhau, sự xuất hiện thực sự của thất bại kinh doanh sẽ phổ biến nhiều hơn hay ít hơn, tùy theo [liệu] có thể kiếm được các khoản cho vay của các ngân hàng một cách khó hơn hay dễ dàng hơn khi đối mặt với khủng hoảng về cầu.[6]

Bất chấp các khoản tiền [thanh khoản] khổng lồ đã được bơm vào các nền kinh tế Mỹ và châu Âu, phần lớn từ chính phủ, cho đến nay các ngân hàng và các tổ chức tài chính vẫn chưa muốn làm tan băng thị trường tín dụng. Các doanh nghiệp khác cũng tiếp tục phá sản, một phần đáp lại cầu đã bị giảm rồi (quá trình “hệ số nhân” Keynesian), nhưng cũng đáp lại sự sợ hãi về cầu còn ít hơn nữa trong tương lai, trong một bầu không khí ảm đạm chung (quá trình Pigovian về lây nhiễm bi quan).

Một trong những vấn đề mà chính quyền Obama phải giải quyết là, cuộc khủng hoảng thực tế, phát sinh từ quản lý tài chính tồi và những vi phạm đạo lý khác, đã bị sự sụp đổ tâm lý phóng đại lên nhiều lần. Các biện pháp đang được thảo luận ngay bây giờ ở Washington và các nơi khác để phục hồi thị trường tín dụng bao gồm các khoản cứu trợ – với đòi hỏi cương quyết rằng các tổ chức tài chính được bao cấp thực sự cho vay – việc chính phủ mua các tài sản độc hại, bảo hiểm chống lại việc không trả được các khoản vay, và quốc hữu hóa ngân hàng. (Đề xuất sau cùng [quốc hữu hóa ngân hàng] làm hoảng sợ nhiều người bảo thủ hệt như sự kiểm soát tư nhân về tiền công cộng được giao cho các ngân hàng khiến người dân lo ngại về trách nhiệm giải trình.) Như đáp ứng yếu ớt của thị trường đối với các biện pháp của chính quyền cho đến nay gợi ý, cần phải đánh giá mỗi trong các chính sách này một phần về các tác động của chúng lên tâm lý của các doanh nghiệp và người tiêu dùng, đặc biệt là ở Mỹ.

5.

Sự tương phản giữa Pigou và Keynes còn xác đáng vì lý do khác nữa. Trong khi Keynes đã rất chú tâm vào câu hỏi làm sao để tăng tổng thu nhập, ông đã tương đối ít tham gia vào phân tích các vấn đề về bất đình đẳng phân phối của cải và phúc lợi xã hội. Ngược lại, Pigou không chỉ đã viết một tác phẩm cổ điển về kinh tế học phúc lợi, mà ông cũng đi tiên phong đo lường bất bình đẳng kinh tế như là một chỉ báo chủ yếu cho sự đánh giá kinh tế và chính sách.[7] Bởi vì sự đau khổ của những người túng thiếu nhất trong mỗi nền kinh tế – và trên thế giới – đòi hỏi sự chú ý khẩn cấp nhất, vai trò của sự hợp tác hỗ trợ giữa doanh nghiệp và chính phủ không thể ngừng chỉ với sự mở rộng được phối hợp lẫn nhau của nền kinh tế. Có nhu cầu thiết yếu để đặc biệt chú ý đến những người yếu thế trong xã hội khi lập kế hoạch về mỗi phản ứng với khủng hoảng hiện thời, và nhìn vượt quá các biện pháp để tạo sự mở rộng kinh tế nói chung. Các gia đình bị đe dọa bởi thất nghiệp, bởi thiếu chăm sóc y tế, và bởi sự mất mát xã hội và kinh tế là các gia đình bị tác động đặc biệt nặng nề. Những hạn chế của kinh tế học Keynesian để giải quyết các vấn đề của họ phải được thừa nhận mạnh mẽ hơn nhiều.

Cách thứ ba, trong đó Keynes cần được bổ sung, liên quan đến sự lơ đãng tương đối của ông đối với các dịch vụ xã hội – quả thực ngay cả Otto von Bismarck đã có nhiều để nói về chủ đề này hơn là Keynes. Rằng kinh tế thị trường có thể đặc biệt tồi trong cung cấp hàng hoá công cộng (như giáo dục và chăm sóc y tế) đã được một số nhà kinh tế học hàng đầu của thời chúng ta, kể cả Paul Samuelson và Kenneth Arrow, thảo luận. (Pigou cũng đóng góp cho chủ đề này với sự nhấn mạnh của ông đến “các tác động ngoại lai” của các giao dịch thị trường, nơi mà cái được và cái mất không chỉ giới hạn ở những người mua hoặc người bán trực tiếp.) Đây, tất nhiên, là một vấn đề dài hạn, nhưng đáng lưu ý thêm rằng nỗi đau của một đợt suy giảm có thể nhức nhối hơn nhiều đặc biệt khi chăm sóc sức khỏe không được đảm bảo cho tất cả mọi người.

Thí dụ, khi thiếu hệ thống y tế quốc gia, mỗi việc làm bị mất có thể tạo ra một sự loại trừ lớn hơn đối với chăm sóc sức khỏe thiết yếu, bởi vì bảo hiểm y tế tư nhân liên quan đến mất thu nhập hoặc mất việc làm. Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ là 7,6 phần trăm, bắt đầu gây ra sự túng thiếu khổng lồ. Thật đáng hỏi các nước Châu Âu, bao gồm cả Pháp, Ý, và Tây Ban Nha, các nước có mức thất nghiệp cao hơn nhiều trong hàng thập kỷ, đã làm thế nào để tránh được sự sụp đổ hoàn toàn của chất lượng cuộc sống của họ. Câu trả lời một phần là ở cách mà nhà nước phúc lợi châu Âu hoạt động, với bảo hiểm thất nghiệp mạnh hơn ở Mỹ rất nhiều và, thậm chí quan trọng hơn, với các dịch vụ y tế cơ bản được cung cấp cho tất cả mọi người bởi nhà nước.

Thất bại của cơ chế thị trường để cung cấp chăm sóc y tế cho tất cả mọi người đã là rõ rành rành, dễ nhận thấy nhất là ở Hoa Kỳ, nhưng cũng thấy ở sự dừng đột ngột trong tiến bộ về sức khỏe và tuổi thọ ở Trung Quốc tiếp sau việc hủy bỏ hệ thống y tế phổ quát năm 1979. Trước khi tiến hành cải cách kinh tế vào năm đó, mọi công dân Trung Quốc đã được bảo đảm chăm sóc sức khỏe do nhà nước hoặc các hợp tác xã cung cấp, cho dù chỉ ở mức khá sơ đẳng. Khi Trung Quốc loại bỏ hệ thống phi hiệu quả và phản năng suất của các hợp tác xã nông nghiệp, các công xã và các đơn vị công nghiệp do các cơ quan nhà nước quan liêu quản lý, bằng cách đó tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc tăng nhanh hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Nhưng cùng một lúc, do niềm tin mới vào nền kinh tế thị trường dẫn dắt, Trung Quốc cũng đã hủy bỏ hệ thống chăm sóc sức khỏe phổ quát; và, sau những cải cách năm 1979, các cá nhân phải mua bảo hiểm y tế (ngoại trừ một số trường hợp tương đối hiếm khi nhà nước hay một số doanh nghiệp lớn cung cấp chúng cho người lao động và người phụ thuộc). Với sự thay đổi này, tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc về tuổi thọ giảm đột ngột.

Đây đã là vấn đề lớn khi tổng thu nhập của Trung Quốc tăng cực nhanh, nhưng nó chắc hẳn trở thành vấn đề lớn hơn rất nhiều khi nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc đột ngột, như hiện đang xảy ra. Chính phủ Trung Quốc hiện đang cố gắng hết sức để dần dần xây dựng lại hệ thống bảo hiểm y tế cho mọi người, và chính phủ Hoa Kỳ của Obama cũng cam kết thực hiện bảo hiểm y tế phổ quát. Trong cả hai nước Trung Quốc và Hoa Kỳ, những sửa chữa còn phải làm nhiều, nhưng chúng phải là các yếu tố chủ yếu trong giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế, cũng như trong hoàn tất chuyển đổi dài hạn của hai xã hội.

6.

Sự phục hồi của Keynes có nhiều để đóng góp cả cho phân tích kinh tế lẫn chính sách kinh tế, nhưng tấm lưới phải được quăng rộng ra hơn nhiều. Mặc dù Keynes thường được xem như một loại nhân vật “nổi loạn” trong kinh tế học đương thời, thực ra ông đã trở thành gần như là guru [người có uy tín nhất] của một chủ nghĩa tư bản mới, người đã chú tâm vào nỗ lực ổn định những biến động của nền kinh tế thị trường (và rồi lại tương đối ít chú ý đến các nguyên nhân tâm lý của những biến động kinh doanh). Mặc dù Smith và Pigou có tiếng là các nhà kinh tế học khá bảo thủ, nhiều sự thấu hiểu sâu sắc về tầm quan trọng của các định chế phi-thị trường và các giá trị phi-lợi nhuận đã là của họ, chứ không phải là của Keynes và những người theo ông.

Một cuộc khủng hoảng không chỉ đưa ra một thách thức trực tiếp phải đối mặt. Nó cũng cho một cơ hội để đề cập các vấn đề dài hạn khi dân chúng sẵn sàng xem xét lại những quy ước đã được thiết lập vững chắc. Đây là lý do vì sao cuộc khủng hoảng hiện nay cũng trở nên quan trọng để đối mặt với các vấn đề dài hạn đã bị sao nhãng như vấn đề bảo tồn môi trường và hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia, cũng như nhu cầu giao thông công cộng đã bị bỏ mặc rất tồi tệ trong vài thập kỷ vừa qua và cho đến nay cũng vẫn bị loại bỏ – khi tôi viết bài này – ngay cả trong các chính sách ban đầu được tuyên bố của chính quyền Obama. Khả năng chi trả về kinh tế, tất nhiên, là một vấn đề, nhưng như thí dụ của tiểu bang Kerala của Ấn Độ cho thấy, có thể có hệ thống chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người do nhà nước bảo đảm với chi phí tương đối ít. Kể từ khi Trung Quốc bỏ bảo hiểm y tế phổ quát năm 1979, Kerala – vẫn tiếp tục có – đã vượt Trung Quốc một cách rất đáng kể về tuổi thọ trung bình và về các chỉ số như tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong, mặc dù Kerala có mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn rất nhiều. Như thế, cũng có những cơ hội cho cả các nước nghèo nữa.

Nhưng những thách thức lớn nhất đối mặt với Hoa Kỳ, nước đã có mức chi tiêu bình quân đầu người về y tế cao nhất trong tất cả các nước trên thế giới, nhưng vẫn chỉ có một thành tích tương đối thấp về y tế và còn hơn bốn mươi triệu người không có bảo đảm nào về chăm sóc sức khỏe. Một phần của vấn đề ở đây là vấn đề về thái độ và hiểu biết của công chúng. Nhận thức vô cùng méo mó về một hệ thống y tế quốc gia hoạt động ra sao cần phải được hiệu chỉnh thông qua các cuộc thảo luận công cộng. Thí dụ, người ta thường cho rằng trong một hệ thống y tế quốc gia châu Âu chẳng ai có quyền lựa chọn bác sĩ, điều đó hoàn toàn không đúng như thế.

Tuy nhiên, cũng cần sự hiểu biết tốt hơn về các tùy chọn sẵn có. Trong những thảo luận về cải cách y tế ở Hoa Kỳ, đã có một sự tập trung quá đáng vào hệ thống của Canada – một hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng khiến cho rất khó để có sự chăm sóc y tế tư nhân – trong khi các hệ thống y tế quốc gia Tây Âu cung cấp chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người, nhưng, ngoài phạm vi bao phủ của nhà nước, cũng cho phép tư nhân hành nghề và bảo hiểm y tế tư nhân, dành cho những người có tiền và muốn chi tiêu theo cách này. Không rõ hệt như vì sao người giàu có thể tự do chi tiêu tiền cho du thuyền và các hàng hóa xa xỉ khác lại không được phép thay vào đó chi tiêu tiền cho quét xét nghiệm bằng máy MRI hoặc CT. Nếu chúng ta theo gợi ý từ các lý lẽ của Adam Smith đối với tính đa dạng của các định chế, và đối với cung cấp các động cơ đa dạng khác nhau, thì có các biện pháp thiết thực mà chúng ta có thể tiến hành để làm nên một sự khác biệt khổng lồ cho thế giới mà chúng ta sống trong đó.

Tôi cho rằng, các cuộc khủng hoảng kinh tế hiện thời không tìm đến một “chủ nghĩa tư bản mới,” nhưng chúng có đòi hỏi một sự hiểu biết mới về các ý tưởng cũ hơn, chẳng hạn như các ý tưởng của Smith và của Pigou gần thời của chúng ta hơn, rất nhiều trong số đó đã bị bỏ qua một cách đáng buồn. Cái cũng cần là một nhận thức với đầu óc tỉnh táo về các định chế khác nhau thực sự hoạt động như thế nào, và về cách thức mà các tổ chức khác nhau – từ thị trường đến các định chế nhà nước – có thể đi xa hơn các giải pháp ngắn hạn và đóng góp vào tạo ra một thế giới kinh tế tử tế hơn.

– February 25, 2009

Ghi chú

[1] Adam Smith, An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations, edited by R.H. Campbell and A.S. Skinner (Clarendon Press, 1976), I, II.ii.28, p.292.

[2] Adam Smith, The Wealth of Nations, I, I.viii.26, p. 91.

[3] Adam Smith, The Theory of Moral Sentiments, edited by D.D. Raphael and A.L. Macfie (Clarendon Press, 1976), pp. 189-190.

[4] Adam Smith, The Wealth of Nations, I, II.iv.15, p. 357.

[5] A. C. Pigou, Industrial Fluctuations (London: Macmillan, 1929), p. 73.

[6] A. C. Pigou,Industrial Fluctuations, p. 96.

[7] A. C. Pigou, The Economics of Walfare (London: Macmillan, 1920). Các tác phẩm hiện thời về bất bình đẳng kinh tế, kể cả những đóng góp chủ yếu của A. B. Atkinson, đã có được cảm hứng ở mức độ đáng kể từ sáng kiến tiên phong của Pigou: xem Atkinson, Social Justice and Public Policy (MIT Press, 1983).

Amartya Sen

Nguyễn Quang A dịch

(Theo The New York Review of Books, Volume 56, Số 5, 26-2-2009 )

(Theo Viện nghiên cứu IDS )




Vô Danh Khuyết

Số người đang online cùng bạn

website stats

Số người truy cập

  • 92 768 hits