Posts Tagged ‘tiến hành

25
Th3
09

Kích tư duy

https://i0.wp.com/www.daiabank.com.vn/upload/ts%20nguyen%20quang%20a_1234862940.jpg

Một trong những cách tính GDP là: GDP = tổng đầu tư + tổng tiêu dùng + xuất khẩu ròng. Tổng đầu tư và tiêu dùng còn được gọi là tổng cầu. Vì thế khi nền kinh tế suy giảm, người ta thường dùng biện pháp kích thích đầu tư và tiêu dùng (kích cầu) cũng không khó hiểu.

Tháng 12-2008 để chặn suy giảm kinh tế chính phủ đã đưa ra ý tưởng về các biện pháp và gói kích cầu. Còn chưa rõ lấy tiền đâu ra cho gói kích cầu 1 tỷ USD rồi 6 tỷ USD. Quốc hội cho rằng “chi 1 tỷ USD kích cầu phải được Quốc hội quyết”.

Rất đúng. Ở các nước khác các khoản chi như vậy phải được quốc hội thông qua và có luật riêng cho khoản chi đó vì xét cho cùng đó là chi tiền của dân. Theo Luật Việt Nam cũng vậy. Biết thế nên trong bài tuần trước, năm ngoái, tôi đã chỉ dám hỏi “Quốc hội sẽ thông qua gói kích thích này ra sao? Lấy nguồn ở đâu ra dùng cho gói kích thích này? Nên kích thích vào khu vực nào, địa phương nào? Tiến độ tiến hành ra sao?”

Trong lúc mọi bộ, mọi ngành, mọi doanh nghiệp đang cố “chạy” để được phân bổ từ gói kích cầu còn chưa rõ này, nhân năm mới xin lạm bàn về một “gói” tốn ít tiền, dễ làm (nếu muốn) nhưng cũng cực khó. Đấy là “kích” tư duy.

Đối với con người, xét cho cùng mọi thành công hay thất bại đều xuất phát từ tư duy. Biết hiện trạng, xác định mục tiêu và vạch ra đường hướng, chính sách và các kế hoạch hành động để đạt những mục tiêu đề ra từ điều kiện ban đầu, từ hiện trạng. Đó là công việc của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức cũng như mỗi đất nước.

Cách đây mấy chục năm người ta nghĩ “tổ chức” tư duy thay cho tất cả. Mọi người chỉ cần ngoan ngoãn nghe, quán triệt và làm theo tư duy của đội tiên phong, của những người nắm được “khoa học”, “chân lý” và muốn điều tốt cho mọi người: xây dựng thiên đường cho họ trên trái đất. Người dân “ỷ lại” vào nhà nước. Các tổ chức khác cũng vậy. Tư duy đối với họ dường như không quan trọng. Tất cả đã có nhà nước lo, từ cái kim sợi chỉ, miếng cơm manh áo, học hành cho đến chuyện chôn cất khi chết. Đấy là đặc trưng cơ bản của thời bao cấp, kế hoạch hóa tập trung. Tư duy bị tê liệt và chỉ còn là đặc quyền của một nhóm người.

Đáng tiếc, cuộc sống không đơn giản như vậy. Thay cho xây được thiên đường trên trái đất, kiểu tư duy đó đã làm cho rất nhiều người khốn khổ, nghèo đói. Bị dồn đến đường cùng, vì sự tồn tại của mình người nông dân đã phải phá rào, không còn quán triệt và nghe theo nữa và làm theo sự mách bảo của suy nghĩ của chính mình như tự ngàn xưa. Rồi một số doanh nghiệp và địa phương cũng xé rào. Đổi mới bắt đầu từ dưới lên. Cuộc sống được cải thiện. Nhà nước đã nhận ra cái sai của mình và để cho dân được tư duy về kinh tế tự do hơn.

“Đổi mới” thực chất là nhà nước sửa sai của mình, trả lại một phần quyền tự do kinh tế cho người dân. Nhưng cái vết cũ – sự ỷ lại, không năng động tư duy của người dân, thói độc quyền tư duy của người có chức có quyền – còn hằn rất sâu. Chính vì thế “kích” tư duy là vô cùng cần thiết cho sự chấn hưng đất nước.

Kích cầu là công việc ngắn hạn, khẩn cấp khi kinh tế suy giảm, còn kích tư duy là công việc thường xuyên, không tốn quá nhiều tiền, dễ làm (nếu có quyết tâm) nhưng cũng rất khó hay không thể làm được nếu không muốn.

Chấn hưng giáo dục là cơ sở, là cái nền để kích tư duy.

Trong lĩnh vực kinh tế chúng ta đã có nhiều tiến bộ trong hơn 20 năm đổi mới, nhưng lĩnh vực giáo dục là lĩnh vực chưa có mấy đổi mới. Cái triết lý giáo dục cũ thời bao cấp vẫn quá nặng. Lời nói, lời hô hào theo kiểu phong trào có thể có vẻ “đổi mới” song cái cốt lõi vẫn như cũ: dạy người ta vâng lời, ngoan ngoãn, nghe theo chứ không phải để làm người yêu tự do, biết tư duy, biết tự mình tìm cách giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, bản thân ngành giáo dục khó có thể thay đổi nếu không có sự “đổi mới tư duy” cao hơn. Sơ sơ thế là đã gần chạm đến cái cực khó của kích tư duy, hãy quay về những việc có lẽ dễ hơn và gần chuyện “kích cầu” hơn.

Kích cầu là chuyện khẩn cấp, ngắn hạn. Và trong lúc khẩn cấp Quốc hội “có thể họp bất thường” để tìm cách giải quyết. Nếu được vậy thì đó là tín hiệu vui. Nhưng thực ra quốc hội nên chuyên nghiệp, không có các đại biểu kiêm nhiệm (giữ chức vụ trong chính quyền cũng như trong doanh nghiệp), họp liên tục (thời gian nghỉ họp chỉ vào các dịp lễ, tết).

Quốc hội là cơ quan làm “phần mềm”, phần quan trọng nhất trong hệ thống vận hành xã hội. Kích tư duy ở đây là kích trúng chỗ nhất. Tất nhiên phải kích ở từng người, từng gia đình, từng doanh nghiệp và từng tổ chức khác, song những phần mềm do chính phủ đề xuất, soạn thảo được quốc hội xem xét và thông qua có tầm ảnh hưởng bao trùm lên cả nước, nên ưu tiên hiển nhiên là phải ở đây và ở các cơ quan nhà nước khác.

Quy định pháp lý là do con người làm ra. Có rất nhiều quy định còn cản trở sự phát triển. Rà soát lại chúng, sửa chúng, đào tạo người để thực thi chúng một cách nghiêm minh, phát hiện ra những lỗi mới, những cản trở mới và lại sửa tiếp. Không có và không bao giờ có quy định hoàn hảo. Quá trình rà soát, sửa này phải làm liên tục. Chỉ xin nêu vài thí dụ.

Ai cũng than chúng ta thừa thầy thiếu thợ. Cái lỗi chính là trong luật giáo dục. Cải cách giáo dục toàn diện cần thời gian, nhưng sửa (1 phần) hệ thống để cải thiện tình hình này thì đơn giản: phân luồng học sinh sau khi học xong trung học cơ sở, một phần học tiếp trung học phổ thông, một phần lớn sang học nghề nhưng liên thông mở ra khả năng có thể học tiếp lên cao đẳng và đại học. Để cho 1 bộ quản lý thống nhất, chứ không phải 2 bộ như hiện nay. Ý tưởng này hầu như được mọi chuyên gia thống nhất. Sao quốc hội không sửa vài câu trong luật để có thể tiết kiệm nhiều năm trời cho cả chục triệu người và bao nhiêu tiền của cho xã hội?

Hàng năm những người về hưu phải lên cơ quan bảo hiểm xã hội ký giấy tờ vài lần. Người dân xếp hàng rồng rắn xin cấp mã số thuế. Thủ tục xây dựng, nhà đất, v.v. rất mất thời gian. Hoàn toàn có thể đơn giản hóa đi để dân đỡ khổ và quản lý tốt hơn. Thủ tục do con người tạo ra. Hãy kích tư duy của người dân, của tổ chức để họ động não góp ý cho nhà nước, và nhà nước hãy lắng nghe và tìm cách thay đổi. Còn bao nhiêu việc có thể làm ngay như vậy?

Ai cũng kêu về lãi suất thỏa thuận và trần lãi suất. Nếu bỏ khoản 1 Điều 476 của Bộ Luật dân sự (Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng) sẽ giải tỏa được bao nguồn vốn lớn hơn gói kích cầu 1 tỷ USD nhiều lần. Vậy sao không sửa luật ấy đi. Nếu quyết tâm làm chỉ tốn vài giờ.

Và còn luật đất đai và bao luật khác. Còn cơ man nào là nghị định và thông tư. Sửa từng tí một, không nên cầu toàn.

Hãy kích tư duy để người dân tham gia để thay đổi. Kích tư duy còn quan trọng gấp bội lần kích cầu.

Nguyễn Quang A



Vô Danh Khuyết

Số người đang online cùng bạn

website stats

Số người truy cập

  • 92 768 hits