Posts Tagged ‘tiền

09
Th7
09

Lấy tiền đâu ra để kích thích nền kinh tế?

(TuanVietNam) – Để thực hiện các gói kích thích kinh tế lên đến 145 ngàn tỷ đồng như dự kiến của Chính phủ, tương ứng với các khoản mục bên chi (chi kích thích vào đâu và bao nhiêu) thì cần đến các nguồn (thu) cân đối đảm bảo cho các khoản chi này.

>> Chi ngân sách phải cân đong như bà nội trợ

Về bên chi, Phó Thủ tướng thường trực đã báo cáo trước Quốc hội rằng gói kích cầu gồm: giảm thuế 28 ngàn tỷ; hỗ trợ lãi suất 17 ngàn tỷ; tăng đầu tư công hơn 90 ngàn tỷ; và bổ sung an sinh xã hội gần 10 ngàn tỷ đồng (tổng cộng là 145 ngàn tỷ đồng bằng 9% GDP).

Ngoài khoản 28 ngàn tỷ giảm thuế được tự động cân đối, coi như thu 28 ngàn tỷ và chi đúng 28 ngàn tỷ đó cho những người và tổ chức đóng thuế, và 17 ngàn tỷ hỗ trợ lãi suất được nói là lấy từ nguồn dự trữ (ngoại hối), thì đáng tiếc phần các nguồn còn lại 100 ngàn tỷ cho đến nay vẫn chưa rõ lấy từ đâu.

Chính phủ dự kiến phát hành trái phiếu để vay của dân 27,7 ngàn tỷ.
Ảnh: inteves.com

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 37,2 ngàn tỷ là các khoản ứng trước xây dựng cơ bản mà Ngân hàng Thế giới cho là “trên thực tế” là “các nguồn lực sẽ được phân bổ lại từ các dự án kém hiệu quả” tức là chưa rõ có phải là khoản “tăng thêm” hay là khoản đã dự trù trong kế hoạch có sẵn ngoài kích cầu?

Khoản thu hồi vốn đầu tư XDCB ứng trước chưa thực hiện 3,4 ngàn tỷ cũng vậy; khoản này ngân hàng Thế giới cho là “tương đương với việc chi tiêu các khoản vốn đã có” chứ chưa hẳn là khoản thêm cho “kích cầu”. Tổng hai khoản này là 40,6 ngàn tỷ đồng.

Như thế còn phải làm rõ nguồn của phần 59,4 ngàn tỷ đồng còn lại. Chính phủ dự kiến phát hành trái phiếu để vay của dân 27,7 ngàn tỷ, như thế vẫn phải cần 31,7 ngàn tỷ đồng các nguồn tài chính bổ sung nữa.

Việc phát hành trái phiếu Chính phủ hay bảo lãnh cho các doanh nghiệp quốc doanh phát hành trái phiếu để lấy tiền đầu tư hay kích cầu là một giải pháp mà chính phủ dự tính hay đã thực hiện một phần. Nhưng việc này xem ra không đơn giản.

Các lần đấu giá trái phiếu trong nước gần đây đều thất bại, còn phát hành trái phiếu ra nước ngoài thì theo báo cáo nêu trên của Ngân hàng thế giới là “điều khó xảy ra trong bối cảnh toàn cầu hiện nay”. Tại sao vậy?

Trái phiếu phát hành không thành công ở trong nước chủ yếu do lãi suất không hấp dẫn người mua. Các ngân hàng thương mại đang huy động VND với lãi suất lên đến 9%/năm trong khi mua trái phiếu chỉ được tối đa 8,8%/năm (trần lãi suất đưa ra đấu thầu), hiển nhiên không ngân hàng nào lại chịu lỗ để đi mua trái phiếu chính phủ hay trái phiếu doanh nghiệp nhà nước được Bộ Tài chính bảo lãnh.

Với thời hạn 2-3 năm nếu lãi suất không hơn 9,5%/năm thì chắc chắn các đợt đấu thầu tới cũng sẽ thất bại. Nếu tăng lãi suất trái phiếu lên 10,5%/năm mà các doanh nghiệp đang có thể vay thì chắc chắn việc phát hành sẽ thành công vì các ngân hàng sẽ đổ xô đi mua trái phiếu.

Nếu Nhà nước phát hành trái phiếu qua kho bạc cho mọi người dân và tổ chức có thể mua (chứ không chỉ cho các ngân hàng) thì sẽ góp phần đẩy lãi suất lên cao nữa do kho bạc sẽ cạnh tranh với ngân hàng mà điều này thì nên tránh. Đấy là chưa nói sẽ có thể có doanh nghiệp vay bù lãi suất 6,5% để mua (có thể hợp pháp hóa qua người thứ ba) và hưởng lời 4%.

Khó khăn trong phát hành trái phiếu có thể lại là điều hay chứ chưa chắc là điều dở. Ảnh: taichinh24h.com

Việc phát hành trái phiếu ở nước ngoài cũng rất khó khăn. Cũng đã có quyết định phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ. Với lãi suất cỡ 3-3,5%/năm chắc các ngân hàng sẽ nhiệt tình hưởng ứng. Song tôi nghĩ việc này chưa hẳn đã là hay, có nhiều hệ lụy khó lường và nên rất cẩn trọng. Nhưng khó khăn trong phát hành trái phiếu có thể lại là điều hay chứ chưa chắc là điều dở. Vì sao?

Rất nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cũng như nhiều đại biểu Quốc hội lo về hiệu quả sử dụng vốn (do phát hành trái phiếu mang lại hay vốn từ ngân sách nói chung). Cách đây mấy tháng ông K’so Phước đã lên tiếng rằng đừng ném tiền (trái phiếu chính phủ) vào thùng rỗng.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nói trên cho rằng “nhà nước nắm giữ một lượng tiền mặt lớn bất thường, dưới dạng tiền gửi ở các ngân hàng thương mại quốc doanh”. “Ở các quốc gia công nghiệp, tài khoản nhà nước thường giữ tiền mặt không quá 1% GDP. Nhưng các tài khoản nhà nước có đến 86 nghìn tỷ VND tiền mặt gửi trong hệ thống ngân hàng thương mại”. Con số này lớn hơn 5,3% GDP.

Nếu sử dụng khéo khoản này (thí dụ giảm xuống một nửa, tức là vẫn cao hơn mức của các nước công nghiệp đến hơn 2,6 lần) thì hiệu quả sử dụng vốn cao hơn hẳn và chắc đâu đã cần huy động thêm qua trái phiếu?

Cầu Thanh Trì (ảnh trên). Cầu Thủ Thiêm (ảnh dưới). Ảnh: panoramio.com; chieusang.com

Thứ đến là cung cách chi tiêu còn quá kém hiệu quả. Chỉ nhìn vào cầu Thanh trì đã thông xe mấy năm nay nhưng hệ thống đường dẫn và đường kết nối vẫn chưa xong (phần bên phía nam vào nội thành còn lâu mới mới mở rộng được) làm cho nhiều ngàn tỷ đồng đã đầu tư vẫn chưa phát huy tác dụng tốt.

Nhìn vào cầu Thủ Thiêm ở Hồ Chí Minh cũng vậy. Còn bao nhiêu dự án khác đã mua xong “con trâu” mà loay hoay mãi chưa mua được “khúc dây chạc”! Lãnh phí ấy đã có ai tính chưa?

Việc giải ngân ODA cũng vậy. Ngân hàng ADB than phiền trong báo cáo của họ tại hội nghị trên rằng chỉ riêng ADB còn hơn 3,5 tỷ USD (gần 64 ngàn tỷ VND, lớn hơn 59,4 ngàn tỷ mà chúng ta loay hoay đi tìm nguồn ở trên) ODA đã cam kết nhưng chưa giải ngân được! Và chậm giải ngân sẽ gây tổn thất lớn.

Nếu giải ngân được hết khoản này thì chẳng cần phải tìm thêm nguồn mới, chẳng cần phát hành trái phiếu. Mà ODA đâu chỉ có ADB cung cấp. Giải ngân ODA “vừa hỗ trợ gói kích cầu, vừa cải thiện cán cân thanh toán” như Ngân hàng Thế giới kiến nghị.

Có thể thấy rất nên thận trọng với các gói kích cầu, nên dừng bù lãi suất như chúng tôi đã kiến nghị và cũng chẳng nên hăm hở phát hành trái phiếu. Nên suy ngẫm lại và quan trọng nhất vẫn là sử dụng hiệu quả các nguồn vốn sẵn có hay đã được cam kết chứ không phải chạy vay thêm số lượng và chi tiêu phi hiệu quả.

  • TS. Nguyễn Quang A



Vô Danh Khuyết

Số người đang online cùng bạn

website stats

Số người truy cập

  • 92 768 hits