Posts Tagged ‘tiêu dùng

05
Th5
09

Tác động hỗ trợ đầu tư của Nhà nước đối với sản xuất kinh doanh

https://i0.wp.com/www.kls.vn/Images/ContentImages/200804/b49a7259-294d-4c7c-bb55-f841ff582787.jpg

Báo cáo tại Tọa đàm “Sử dụng chính sách tài chính, tiền tệ kích cầu đầu tư và tiêu dùng” do Ủy Ban Tài Chính- Ngân sách của Quốc Hội tổ chức, Hà Nội 29-4-2009. Trong đó điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam trong hơn 10 năm qua, nhất là tác động của cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997. Sau đó báo cáo cho cái nhìn sơ bộ của người viết về các chính sách kích thích kinh tế của nhà nước đưa ra từ tháng 12-2008 đến nay.

I. Nhìn lại vài chỉ số

Kích cầu không phải là chuyện mới ở Việt Nam. Khoảng mười năm trước chúng ta cũng đã nói nhiều đến kích cầu để khắc phục ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính Châu Á. Chính sách kích cầu tường minh hay ngầm định đã được duy trì liên tục trong thời gian qua cho đến tận tháng 3-2008; từ tháng 3-2008 trọng tâm chính sách kinh tế chuyển sang chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô cho đến tháng 11-2008; và từ tháng 12-2008 đến nay trọng tâm là chính sách kích thích. Và hình như việc quá say sưa với kích cầu, kích thích tăng trưởng đã là một nguyên nhân chính tạo ra những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nhiều năm qua.

Những căng thẳng bất ổn vĩ mô lên đến mức rất nguy hiểm, nhất là từ nửa cuối năm 2007 đến hết năm 2008. Do chính sách chống lạm phát và tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nên lạm phát đã theo hướng dịu đi, tuy nhiên những bất ổn vĩ mô đã tồn tại từ lâu vẫn còn nguyên đó. Tăng trưởng dựa nhiều vào tăng đầu tư, chất lượng tăng trưởng kém, thâm hụt thương mại tăng nhanh, bội chi ngân sách cao và kéo dài (liên tục ở mức từ 3,5 đến gần 5% của GDP) dẫn đến những khó khăn về cán cân thanh toán, tăng nợ nần và lạm phát tăng cao. Bảng sau minh họa tình hình đó.

Bảng 1: Mức tăng (%) hàng năm về GDP, đầu tư (I), tiêu dùng cuối cùng (C); thâm hụt cán cân thương mại/GDP: Td (%), mức lạm phát so với năm trước: inf (%)

Nguồn: Tổng cục thống kê
Có thể thấy trừ năm 1999 (2 năm sau khủng hoảng 1997) còn tất cả các năm tốc độ tăng trưởng đầu tư (I) đều cao hơn tăng trưởng GDP (từ 1,3 đến 15,7 điểm phần trăm!). Năm 1998, một năm sau khủng hoảng, đầu tư vẫn tăng nhiều, tiêu dùng vẫn tăng vừa phải và mức tăng GDP chỉ còn 5,67%. Một năm sau (1999) cả đầu tư lẫn tiêu dùng tăng rất chậm (1,2 và 1,79%) và tăng GDP chỉ còn 4,77%. Năm sau nữa (2000) GDP mới vượt qua đáy và bắt đầu lấy đà tăng trở lại và lưu ý thâm hụt thương mại tương đối thấp (dưới 2,5% GDP năm 2000 và 2,28% GDP năm 2001). Các năm sau (2001-2007) mức tăng đầu tư cao hơn tăng GDP nhiều, tăng tiêu dùng cũng nhanh và thâm hụt thương mại cũng tăng nhanh. Có thể nói khủng hoảng tài chính 1997 ảnh hưởng vào nước ta chậm nhưng ảnh hưởng kéo khá dài. Hy vọng điều đó không lặp lại với cuộc khủng hoảng hiện thời.

Để có khung khổ nhìn nhận các chính sách, có lẽ nên nhắc lại vài khái niệm cơ bản và xem xét số liệu cụ thể. Đầu tiên là định nghĩa về tổng cầu, cũng như một cách tính GDP.

Theo định nghĩa, tổng thu nhập trong nước (GDP) là tổng giá trị của tất cả các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được tạo ra trong một nước trong một năm. GDP có thể được tính theo ba cách, theo phương pháp chi phí GDP được tính như sau:

GDP = I + (G + C) + (X-N) = (TSCĐ+ Thay đổi tồn kho) + (Tiêu dùng cuối cùng của nhà nước + Tiêu dùng cuối cùng của cá nhân) + ( Xuất khẩu – Nhập khẩu)

Bảng 2 cho ta thấy cơ cấu sử dụng tổng sản phẩm trong nước của Việt Nam trong giai đoạn 1995-2007.

Bảng 2: Cơ cấu sử dụng tổng sản phẩm trong nước (% của GDP)

Nguồn: Tổng cục thống kê
Có thể thấy từ năm 1999, khi kinh tế bắt đầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á, tỷ lệ tổng đầu tư tăng rất nhanh (I tăng từ 27,63% GDP lên 41,65% GDP, trong đó phần tích lũy tài sản cố định cũng tăng nhanh, đồng thời tỷ lệ thay đổi tồn kho cũng tăng mạnh từ 1,96% GDP lên 4,51% GDP); tổng tiêu dùng (G+C) giảm; nhập siêu tăng ở mức đáng báo động.

Nhìn từ bức tranh chung trong thời gian dài có thể cho chúng ta nhiều gợi ý chính sách bổ ích để kích thích tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như xem xét hiệu quả của nền kinh tế.

Hai mươi năm qua Việt Nam đã có tiến bộ lớn trong đo lường các số liệu kinh tế, tuy nhiên các số liệu của Tổng cục Thống kê công bố vẫn còn nhiều thứ chưa thực sự đầy đủ theo chuẩn mực quốc tế. Một thí dụ là khái niệm vốn đầu tư.

Theo chuyên gia thống kê Bùi Trinh, chúng ta sử dụng thuật ngữ chưa được rõ ràng và các số liệu thống kê cũng vậy, nên làm cho việc so sánh gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tư (Investment: I) là phần sản lượng được tích lũy nhằm tăng năng lực sản xuất tương lai của nền kinh tế (tương đương với mục tích lũy tài sản trong các số liệu của Tổng cục Thống kê). Còn vốn (hay tư bản – capital: K) tại một thời điểm nào đó được định nghĩa bằng giá trị tổng các đầu tư qua các năm, tính đến thời điểm đó. Hệ thống thống kê Việt nam đưa ra chỉ tiêu “vốn đầu tư…”, chẳng phải là vốn (K) cũng không hoàn toàn là đầu tư (I), thực chất chỉ tiêu “vốn đầu tư” ở đây là nguồn tiền bỏ ra trong một năm của các thành phần kinh tế nhằm mục đích đầu tư nhưng chưa chắc đã đi vào sản xuất, điều này được thể hiện qua số liệu trong bảng 3.

Bảng 3: Sự khác biệt giữa Vốn đầu tư và Tích lũy tài sản (theo giá 1994, ngàn tỷ đồng)

Có thể thấy phần của tổng số tiền bỏ ra cho mục đích đầu tư thực sự tạo ra tích lũy tài sản ngày càng giảm (từ hơn 80% xuống 65%) và phần chênh lệch (không rõ đi đâu hay tạo ra cái gì) ngày càng tăng (từ 17,7% lên 35%!). Có lẽ cơ quan Thống kê nên làm rõ để giúp việc nghiên cứu và so sánh quốc tế được dễ dàng hơn. Chính từ sự chưa rõ ràng này về khái niệm cũng như chỉ tiêu thống kê, nên một số đo hiệu quả là ICOR cũng được tính toán theo nhiều cách chưa chuẩn xác và làm cho so sánh quốc tế rất khó khăn.

Bùi Trinh đã tính toán ICOR cho giai đoạn 2000-2007 dựa vào các số liệu của Tổng cục Thống kê và số liệu điều tra doanh nghiệp để ước lượng K theo công thức:

K(t) = K(t-1) – σ K(t-1) + I (t).
Trong đó K(t) là vốn của năm t, σ là tỷ lệ khấu hao tài sản cố định và I(t) là lượng đầu tư hàng năm.

Và hệ số tăng vốn sản lượng (Increase Capital – output ratio) được tính theo:

ICOR = ( K(tn)-K(t0)) / (GDP (tn)-GDP(t0))

Bùi Trinh ước lượng vốn, K, dựa trên chuỗi số liệu về đầu tư/tích luỹ theo giá so sánh và và tỷ lệ khấu hao từ điều tra doanh nghiệp. Bảng 4 và 5 là kết quả tính toán hệ số ICOR từ cách tiếp cận này. Hệ số ICOR được tính cho tổng nguồn tiền bỏ ra để đầu tư (“vốn đầu tư”) và lượng đầu tư thực tế đi vào sản xuất.

Nếu xét hiệu quả đầu tư từ tổng số tiền bỏ ra trong năm –“vốn đầu tư” cho thấy để tăng một đồng GDP cần bỏ ra 5,2 đồng vốn, hiệu quả đầu tư của Việt Nam trong giai đoạn 2000-2007 vào loại thấp nhất thế giới kể cả trong giai đoạn trước đây (1970-1984). Việc nguồn tiền đầu tư kém hiệu quả (5,2) là do đầu tư không hiệu quả của khu vực nhà nước (7,8) và khu vực đầu tư nước ngoài (5,2), trong khi khu vực kinh tế tư nhân trong nước tỏ ra rất hiệu quả khi bỏ ra 3,2 đồng vốn đã tạo ra một đồng giá trị tăng thêm (hơn khu vực nhà nước 2,44 lần, hơn khu vực FDI 1,63 lần).

Một điều thú vị là khi xét đến nguồn tiền đầu tư trực tiếp đến được với sản xuất (thông qua chỉ tiêu tích luỹ tài sản-Capital Formation), bảng 5, thì hiệu quả đầu tư của toàn nền kinh tế là khá tốt, chỉ 3,5 đồng vốn đã có được một đồng tăng lên của GDP, và khu vực kinh tế tư nhân vẫn là khu vực làm ăn hiệu quả nhất (hơn khu vực nhà nước 2,23 lần; hơn khu vực FDI 1,95 lần)[1].

Trong mọi trường hợp, chúng ta thấy khu vực tư nhân trong nước hiệu quả nhất, rồi đến khu vực FDI (kém khu vực tư nhân trong nước từ 1,63 đến 1,95 lần tùy theo cách tính) và kém nhất là khu vực nhà nước (kém khu vực tư nhân trong nước từ 2,23 đến 2,44 lần tùy theo cách tính). Tính toán này có thể có mang những hàm ý chính sách rất quan trọng.

Trên cơ sở bức tranh tổng quát trên, chúng tôi sẽ đưa ra những nhận xét sơ bộ về tác động hỗ trợ đầu tư của nhà nước đối với sản xuất kinh doanh.

II. Nhìn nhận về tác động hỗ trợ đầu tư của nhà nước đối với sản xuất kinh doanh

Nói chung các chính sách đều phải được đánh giá trên cơ sở tính hiệu quả của chúng (xem có đạt mục tiêu kinh tế, xã hội đề ra với chi phí thấp nhất hay không). Đáng tiếc các nhà hoạch định chính sách ở ta thường không đưa ra các mục tiêu thật rõ ràng có thể định lượng được, nên khó đánh giá, vả lại các tác động chính sách là rất phức tạp và có nhiều hệ quả khó lường trước và việc đánh giá thỏa đáng cần thời gian dài nên tất cả những nhận xét về tác động trong vài tuần đầu hay vài tháng đầu thực hiện một chính sách chỉ có thể là sơ bộ, định tính và có khả năng không chính xác. Cần thận trọng với những đánh giá như vậy và rất cần thảo luận rộng rãi nhằm góp phần hiệu chỉnh cho phù hợp. Trên tinh thần đó, phần này chỉ đưa ra những nhận xét chủ quan, sơ bộ nhằm mục đích góp ý cho thảo luận.

Trước hết, hãy xem xét các tiêu chí khả dĩ cũng như định hướng của các biện pháp chính sách.

Cần phân biệt rõ hai thứ liên quan nhưng tách biệt nhau: Các chính sách cải tổ nền kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế mang tính trung và dài hạn; và các chính sách kích thích mang tính ngắn hạn, khẩn cấp nhằm khơi thông bế tắc do khủng hoảng gây ra trong nền kinh tế.

Thiết nghĩ cần xem xét một số tiêu chuẩn để lựa chọn chính sách mà dưới đây chỉ là vài gợi ý.

Tổng cầu (Y) (giống như cách tính GDP nêu ở trên), theo định nghĩa là: Tổng cầu = Tiêu dùng + Đầu tư + Chi tiêu của Chính phủ + (xuất khẩu – nhập khẩu). Để tăng tổng cầu có thể tăng tiêu dùng cuối cùng của người dân, tăng đầu tư, tăng chi tiêu chính phủ và giảm nhập siêu (tăng xuất giảm nhập).

Hiệu quả kích cầu của một chính sách là tác động tăng tổng cầu của nó và như thế có thể khác với hiệu quả kinh tế.

Tính hiệu quả của kích cầu được hiểu là: 1 đồng dùng vào kích cầu tạo ra bao nhiêu đồng (còn gọi là hệ số nhân) trong tổng cầu của nền kinh tế. Hệ số càng lớn hiệu quả càng cao. Người có thu nhập thấp, nghèo thường chi tiêu phần lớn thu nhập cho các nhu cầu thiết yếu. Hàng họ mua kích thích các nhà sản xuất hàng thiết yếu. Các nhà sản xuất lại mua nguyên liệu của các nhà sản xuất khác, v.v. Hệ số nhân của những người nghèo và thu nhập thấp là lớn, tức là, kích cầu cho họ sẽ hiệu quả.

Ngược lại 1 đồng kích cầu bằng cách miễn thuế cho người giàu (người phải đóng thuế thu nhập cá nhân) có hiệu quả ít hơn. Có cách đo lường và ước tính hiệu quả kích cầu và nên đo lường như thế để làm cơ sở cho hoạch định hay thảo luận chính sách. Đại loại kích cầu hiệu quả nếu nó có tác động nhanh (kịp thời), đảm bảo hay tạo ra nhiều công ăn việc làm, có độ lan tỏa nhanh và lớn (hệ số nhân lớn) [2], nói cách khác là tạo ra nhiều cầu hơn, thúc đẩy cải thiện cán cân thương mại (tăng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước và giảm nhập siêu). Sau đó có thể tính đến các tiêu chí khác như hiệu quả kinh tế, hỗ trợ hay không cản trở các nỗ lực cải cách dài hạn v.v.

Bảng sau liệt kê một số ngành hàng có độ lan tỏa (backward linkage) lớn nhất (trong số các ngành hàng có độ lan tỏa lớn hơn 1, theo tính toán của Bùi Trinh và các cộng sự dựa trên bảng I/) 2005). Hai cột sau liệt kê một vài ngành hàng trong số có độ nhạy (fordward linkage) lớn hơn 1.

Đáng lưu ý, và rất may, là có đến 4 loại ngành hàng có độ lan tỏa cao và cũng có độ nhạy lớn hơn 1.

Đấy là các tiêu chí để đánh giá một chính sách kích cầu có hiệu quả (hơn chính sách khác) hay không. Chúng ta sẽ dùng các tiêu chí này để xem xét sơ bộ hiệu quả kích cầu của chính sách bù lãi suất.

Tính hiệu quả cũng có thể được hiểu là đảm bảo hay tạo ra nhiều công ăn việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế lớn, có độ lan toả nhanh và lớn, thúc đẩy cải thiện cán cân thương mại. Phải ưu tiên các ngành dùng nhiều lao động. Nếu người lao động tiếp tục có việc làm, có thu nhập thì sẽ có cơ sở để kích thích tiêu dùng. Đấy có lẽ phải là tiêu chuẩn số một để lựa chọn kích thích.

Cũng phải tính đến hiệu quả kinh tế, sự tác động nhanh và lớn. Các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 75% tài sản cố định quốc gia, trên 80% vốn đầu tư của Nhà nước, 60% tổng lượng tín dụng trong nước, trên 70% vốn vay nước ngoài. Mức độ độc quyền của các doanh nghiệp này là rất lớn, nhưng chỉ đóng góp chưa tới 40% GDP, 30% thu ngân sách về thuế và chỉ tạo ra việc làm cho gần 10% lực lượng lao động.

Thêm vào đó, như phân tích ở phần trên cho thấy hệ số ICOR của khu vực Nhà nước là đáng lo ngại trong khi ICOR của khu vực các doanh nghiệp tư nhân nhỏ hơn nhiều. Khu vực tư nhân không những hoạt động hiệu quả mà còn tạo ra tuyệt đại bộ phận việc làm mới. Nông thôn và nông nghiệp vẫn còn là một chỗ đệm tương đối an toàn cho những công nhân nhập cư mất việc làm và như thế góp phần giải quyết khó khăn do chúng ta chưa có hệ thống an sinh xã hội tốt. Đó là điểm khác giữa ta và các nước phát triển.

Từ đó có thể thấy vài gợi ý chính sách quan trọng: kích thích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho khu vực phi chính thức, cho hoạt động nông nghiệp, cho phát triển nông thôn, chứ không nên chỉ chú tâm vào các doanh nghiệp nhà nước (tất nhiên cũng phải chú tâm thỏa đáng đến chúng, không bỏ rơi chúng; ở đây chỉ nói về thứ tự ưu tiên).

Thúc đẩy cải thiện cán cân xuất nhập khẩu. Khu vực doanh nghiệp nhà nước là khu vực tạo ra thâm hụt thương mại lớn nhất, khu vực nông nghiệp, ngư nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo ra nhiều xuất khẩu. Như vậy khu vực thoả mãn tiêu chí này cũng là khu vực thoả mãn tiêu chí về hiệu quả nêu trên và may thay cũng là khu vực sử dụng nhiều lao động. Tháng 9-2008 Viện IDS đã tiến hành nhanh một khảo sát về độ co giãn của các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam khi thu nhập của người dân các nước nhập khẩu giảm và thấy rằng các độ co giãn đó không lớn. Nói cách khác, xuất khẩu của các mặt hàng đó có thể giảm nhưng không giảm quá mạnh như các mặt hàng có độ co giãn cao. Chúng tôi đã khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam nên nắm bắt cơ hội và có thể cải thiện hay giảm bớt thiệt hại. Tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong quý 4 năm 2008 và quý 1 năm 2009 cho thấy xuất khẩu của Việt Nam khá tốt trong bối cảnh khó khăn chung. Thời gian tới có thể còn khó khăn, song nếu chúng ta chủ động tình hình có thể được cải thiện hay không bị giảm sút quá.

Thứ hai, gói kích thích mang tính ngắn hạn, khẩn cấp nên yếu tố thời gian rất quan trọng. Các biện pháp nào không thoả mãn yếu tố thời gian (tức là triển khai kéo quá dài) thì nên gán cho độ ưu tiên thấp.

Thứ ba, tuy mang tính ngắn hạn song phải theo hướng với cải cách dài hạn hoặc không gây cản trở cho các nỗ lực cải cách dài hạn nhằm đưa nền kinh tế vào giai đoạn phát triển mới. Chính sách thúc đẩy đầu tư hạ tầng là chính sách dài hạn, không phải chính sách ngắn hạn và khẩn cấp nên phải cân nhắc rất thận trọng khi lựa chọn trong gói kích thích. Tuy nhiên, các dự án hạ tầng có hiệu quả, sắp xong nên được khẩn cấp đầu tư thêm để hoàn tất nhằm phát huy tác dụng ngay.

Cải cách hành chính, thủ tục không tốn nhiều tiền (nhưng cần quyết tâm chính trị cao) có thể mang lại hiệu quả tức thì và hợp với quá trình cải tổ trung dài hạn. Khủng hoảng tạo cơ hội để tiến hành cải cách triệt để, nên tận dụng cơ hội này.

Đào tạo lại lực lượng lao động, đầu tư vào giáo dục, y tế, giúp người nghèo là những việc vừa giúp kích cầu vừa mang tính dài hạn.

Trên đây là một số định hướng, tiêu chí hay quan điểm để đánh giá tác động của các biện pháp chính sách. Tiếp theo chúng ta sơ bộ xem xét các biện pháp chính sách tiền tệ và tài khóa đã được đưa ra, đã hay đang được thực hiện.

Có thể thấy,

  • Từ 1999 đến tháng 3-2008 chính sách kinh tế của nhà nước thiên về hướng kích thích tăng trưởng;
  • Từ tháng 3-2008 đến tháng 12-2008 chính sách nhằm chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô;
  • Từ tháng 12-2008 đến nay (4-2009) trọng tâm của chính sách là kích thích kinh tế, ngăn chặn sự suy giảm tăng trưởng, kích cầu.

Ngày 11/12/2008 Chính phủ ra Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Dư luận nhắc đến gói kích thích 1 tỷ USD và đến cuối tháng tăng lên 6 tỷ, rồi mới đây (4-2009) bắt đầu nói đến 8 tỷ USD. Một số biện pháp cụ thể đã được hình thành ngày càng rõ dần và một số đã và đang được thực hiện (với nhận xét sơ bộ):

  • Hỗ trợ người nghèo ăn tết theo Quyết định 81/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17/1/2009 với tổng số tiền trên 3.800 tỷ đồng. Một biện pháp rất tốt để kích tiêu dùng và giảm nhẹ vấn đề xã hội. Tuy nhiên, việc thực thi các biện pháp tương tự cần rút kinh nghiệm để các khoản hỗ trợ nhanh chóng đến đúng đối tượng được hỗ trợ và ít thất thoát.
  • Hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân đến hết tháng 5. Dựa vào kinh nghiệm quốc tế, tôi cho rằng biện pháp này ít hiệu quả (tuy rất tốt cho những người được hoãn).
  • Giảm, giãn, hoãn một số loại thuế cho các doanh nghiệp. Biện pháp này giúp một số doanh nghiệp đỡ khó khăn, rất tốt cho họ. Hiệu quả kích cầu không cao.
  • Bù lãi suất 4%/năm cho các khoản vay ngắn hạn đến 8 tháng (tổng số tiền bù lãi suất là khoảng 1 tỷ USD) theo Quyết định 131/TTg-QĐ ngày 23-1-2009 của Thủ tướng Chính phủ (với 13 lĩnh vực không được áp dụng là: 1. Ngành công nghiệp khai thác mỏ; 2. Hoạt động tài chính; 3. Ngành quản lý nhà nước và an ninh quốc phòng, Đảng, đoàn thể, bảo đảm xã hội bắt buộc; 4. Giáo dục và đào tạo; 5. Y tế và hoạt động cứu trợ xã hội; 6. Hoạt động văn hóa, thể thao; 7. Hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn (trừ hoạt động đầu tư xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp); 8. Hoạt động phục vụ cá nhân và công cộng (bao gồm cả cho vay thông qua thẻ tín dụng); 9. Hoạt động dịch vụ tại hộ gia đình; 10. Hoạt động các tổ chức quốc tế; 11. Nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng; 12. Đầu tư và kinh doanh chứng khoán; 13. Kinh doanh bất động sản dưới hình thức mua, bán quyền sử dụng đất). Sau đó Thủ Tướng Chính Phủ ban hành Quyết định 333/QĐTTg ngày 10/3/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 131/QĐTTg.Cho đến cuối tháng 4-2009 đã giải ngân được 280 ngàn tỷ đồng tín dụng được bù lãi suất (đạt 65,9% tổng mức tín dụng là 425 ngàn tỷ tín dụng được hưởng bù lãi suất). Tuy nhiên, mức tăng tổng tín dụng rất nhỏ (khoảng 3,3%). Nói cách khác biện pháp này không có hiệu quả tăng tín dụng (kích cầu). Một vài nhận xét chủ quan của tôi về biện pháp này để thảo luận là như sau.

    Bù lãi suất là một biện pháp kích cầu có thể rất tốt và đáng hoan nghênh, tuy nhiên tính hiệu quả của chính sách này không cao. Nó lạ và “sáng tạo” vì chưa có nước nào làm tập trung như Việt Nam.

    Thứ nhất, gói kích thích mang tính ngắn hạn, khẩn cấp nên yếu tố thời gian rất quan trọng. Chính sách bù lãi suất theo quyết định 131 thỏa mãn tiêu chí này ở mức vừa phải. Nó có thể được tiến hành tương đối nhanh và rộng (do tất cả các ngân hàng thương mại đều có thể tham gia) nên nhiều doanh nghiệp có thể vay và đến cuối tháng 4 đã đạt 65,9% kế hoạch cho thấy tiêu chí nhanh đã là tốt. Thời hạn của gói chỉ là 8 tháng mang tính tạm thời chứ không phải lâu dài, như thế là tốt.

    Thứ hai, sở dĩ phải ưu tiên các ngành dùng nhiều lao động vì tác động xã hội ghê gớm của thất nghiệp gia tăng. Nếu người lao động tiếp tục có việc làm, có thu nhập thì sẽ có cơ sở để kích thích tiêu dùng. Những ngành dùng nhiều lao động thường có lương không cao, người lao động chi tiêu phần lớn thu nhập và làm cho việc kích tiêu dùng hiệu quả hơn. Theo tiêu chí này chính sách bù lãi suất chỉ dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ưu tiên các doanh nghiệp tạo nhiều công ăn việc làm. Như vậy theo tiêu chí này chính sách bù lãi suất có vẻ cũng khá song vẫn chỉ cho một lượng rất nhỏ người nghèo và có thu nhập thấp (số nhân viên của các công ty có thể vay). Các doanh nghiệp yếu kém sẽ không thê vay được (và cũng không đáng cho họ vay vì làm thế chỉ cản sự tái cơ cấu của nền kinh tế, nên tạo điều kiện cho họ phá sản một cách văn minh hơn là giúp họ lay lắt) và người lao động bị mất việc làm. Đối tượng người lao động này cần được kích cầu (đào tạo lại, giúp kiếm việc làm mới tạm thời hay lâu dài,…) vì khoản kích cầu ấy có hiệu quả cao. Các doanh nghiệp gặp khó khăn (có thể vượt qua nếu được trợ giúp) cũng khó có thể vay được. Theo tiêu chuẩn của các ngân hàng, các doanh nghiệp vay được là “khách hàng tốt” và giảm lãi suất cho họ chưa chắc đã có nhiều tác động làm tăng cầu (hệ số nhân của họ nhỏ).

    Thứ ba, thúc đẩy cải thiện cán cân xuất nhập khẩu. Khu vực doanh nghiệp nhà nước là khu vực tạo ra thâm hụt thương mại lớn nhất, khu vực nông nghiệp, ngư nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo ra nhiều xuất khẩu. Như vậy khu vực thỏa mãn tiêu chí này cũng là khu vực thỏa mãn tiêu chí sử dụng nhiều lao động. Gói bù lãi suất chỉ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và cho một số khoản vay nhất định, ưu tiên cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Có thể nói chính sách cũng thỏa mãn tốt tiêu chí này. Tuy nhiên, chưa có số liệu cụ thể liệu các khoản tín dụng này có được rót đúng cho các ngành nghề được nêu hay không, nên cần phải xem xét và đánh giá tiếp.

    Ngoài ra, do chỉ bù lãi suất nên dùng được tác động đòn bẩy tài chính (với 1 tỷ USD bù lãi suất có thể cực đại tạo ra được tổng tín dụng 25 tỷ USD) và đấy là ưu điểm của chính sách này. Vậy tại sao lại nói hiệu quả kích cầu của nó là thấp. Hiệu quả kích cầu khó tính, song có thể dùng mức tăng trưởng tín dụng làm một chỉ số đại diện (proxy), với việc hoàn thành 66% kế hoạch mà tổng tăng tín dụng chỉ khoảng 3,3% cho thấy hiệu quả kích cầu rất thấp. Có thể nói đây không phải là biện pháp kích cầu mà đúng ra là biện pháp giải cứu. Bù lãi suất có tác dụng tương tự như hạ lãi suất có chọn lọc, mang tính chất chính sách tiền tệ hơn là tài khóa (tuy nhà nước chi 17.000 tỷ đồng là biện pháp tài khóa). Nó mang tính “cứu trợ” hơn là “kích cầu”. Ngân hàng có tiền cho vay với lãi suất thấp: đấy mới chỉ là phía cung tín dụng. Phía cầu tín dụng thì sao? Doanh nghiệp có vay không và nếu vay thì có sử dụng tiền vay đúng mục đích không? Các doanh nghiệp được vay bù lãi suất có tạo ra thêm nhiều cầu hơn so với không bù lãi suất hay không? Nếu doanh nghiệp không bán được hàng thì dù lãi suất thấp họ cũng không vay. Khi tổng tín dụng không tăng thêm so với không bù lãi suất thì hiệu quả kích cầu là nhỏ. Nhà nước biếu không cho doanh nghiệp số tiền bù lãi suất nhưng không kích cầu được mấy. Nếu bị lạm dụng để đảo nợ, thay khoản vay cũ có lãi suất cao bằng khoản vay mới rẻ hơn thì tổng tín dụng khó có thể tăng. Phải làm cho tổng cầu tăng thực sự. Các doanh nghiệp cũng là người mua hàng (của doanh nghiệp khác) và nếu làm ăn có lãi họ có thể vay, như thế bù lãi suất cũng làm tăng cầu. Chỉ có các nhà hoạch định chính sách mới có đủ số liệu để tính toán hay ước lượng, nhưng chưa chắc tổng cầu sẽ tăng như mong muốn (và họ đã không đưa ra mức mong muốn là bao nhiêu nên thực sự không có tiêu chí để đánh giá).

    Những người phê phán hoặc coi tính hiệu quả kích cầu của biện pháp bù lãi suất là kém hoàn toàn có lý khi nói: sau hơn 3 tháng thực hiện (giải ngân được khoảng 280.000 tỷ đồng, nhưng tín dụng tăng không đáng kể), tỷ lệ đảo nợ cao; coi gói này là gói giải cứu hơn là gói kích cầu;chưa giải quyết được đầu ra thì doanh nghiệp không vay dẫu lãi suất có thấp; v.v. Đó là những ý kiến đáng quan tâm và không nên bỏ qua.

    Ngược lại những người ủng hộ lại có thể nói: giả như không có bù lãi suất thì quá trình co lại của tín dụng (do chính sách thiết chặt tín dụng trước đó) có thể làm cho thị trường bị đóng băng và tín dụng có thể không những không tăng mà còn có thể giảm mạnh (thí dụ 10-15%), nói cách khác biện pháp bù lãi suất đã ngăn được sự suy giảm có thể xảy ra như vậy. Họ cũng có lý, do các mục tiêu đề ra chưa thật rõ nên rất khó đánh giá.

    Có thể nói thị trường tín dụng đã không đóng băng, đã ngừng giảm và có tăng trưởng đôi chút. Theo tôi nên dừng biện pháp này lại hoặc nhiều nhất chỉ nên hoàn tất 35% còn lại nhưng không nên mở rộng.

  • Bù lãi suất 4%/năm cho các khoản vay trung dài hạn để đầu tư mới với thời hạn bù lãi suất đến 24 tháng theo Quyết định 443/QĐTTg ngày 04/4/2009 của Thủ Tướng Chính Phủ (Ngân hàng Nhà nước có thông tư số 05/2009/NHNN ngày 7/4/2009 hướng dẫn chi tiết). 9 ngành được vay vốn bù lãi suất 4%/năm trong vòng 24 tháng là: Ngành nông nghiệp và lâm nghiệp; thuỷ sản; công nghiệp khai thác mỏ; ngành công nghiệp chế biến; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước; ngành xây dựng (trừ công trình xây dựng văn phòng (cao ốc) cho thuê, công trình xây dựng, sửa chữa mua nhà để bán); ngành thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy, đồ dùng cá nhân và gia đình; ngành vận tải, kho bãi và thông tin liên lạc; hoạt động khoa học và công nghệ. Vì gói này vừa mới bắt đầu thực hiện, tôi chỉ đưa ra vài nhận xét chủ quan để thảo luận. Thứ nhất, tiêu chí khẩn cấp không thỏa mãn, đầu tư mới, đầu tư trung dài hạn không nên là đối tượng kích cầu. Thứ hai, một loạt ngành nghề được hưởng sẽ mở ra khả năng “giải cứu” cho nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả. Các ngành nông lâm nghiệp, thương nghiệp, thủy sản nên được hỗ trợ song cũng chỉ nên ngắn hạn, chứ không phải vay trung và dài hạn. Theo tôi, nên rất cân nhắc việc bù lãi suất trung dài hạn này vì các lý do trên và vì nó rất có thể bị biến dạng và gây khó khăn nhiều cho tái cơ cấu.Theo tôi nên dừng ngay biện pháp này. Không nên dùng ngân sách nhà nước để làm việc đó, việc có thể mang lại nhiều hậu quả xấu lâu dài, trong khi có nhiều việc khác cần làm và có thể có hiệu quả hơn nhiều.
  • Đầu tư công nhằm tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng cơ sở. Chính phủ đang chủ trương đẩy mạnh việc giải ngân, tháo gỡ các thủ tục hành chính cho việc này. Đó là việc làm đúng hướng, chỉ lưu ý là thực hiện ra sao, ưu tiên như thế nào để có hiệu quả thực sự, giảm bớt thất thoát và không gây khó khăn cho tương lai.
  • Xây dựng nhà ở xã hội. Lưu ý xây dựng (xem Bảng 6) có thể có vai trò quan trọng, cần chú ý đẩy mạnh mà theo tôi chủ yếu là các dự án sắp hoàn thành, các dự án có hiệu quả và đã chuẩn bị kỹ, hạ tầng nông thôn (đường, thủy lợi, trường học, nhà ở, …). Còn xây nhà xã hội như đang được thảo luận cần cân nhắc rất kỹ và thận trọng, nếu có làm thì nên phân tán, quy mô vừa, không nên tập trung (với kinh phí dự kiến 80 ngàn tỷ đồng). Chủ trương này nên xem xét hết sức kỹ lưỡng và thận trọng. Theo tôi việc giao cho các tổ chức này, tổ chức nọ như bàn luận vài tháng qua có thể không những không mang lại hiệu quả kích thích mà còn gây ra những khó khăn chồng chất cho tương lai và có thể sẽ vô cùng lãng phí.
  • Đầu tư cho nông thôn, trợ giúp nông dân và ngư dân cũng như người nghèo là hết sức quan trọng và cần có chính sách thỏa đáng. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có những biện pháp cụ thể và chưa được thảo luận kỹ.
  • Giáo dục, đào tạo, y tế là các lĩnh vực cần ưu tiên cao. Tuy nhiên, vẫn chưa có các biện pháp cụ thể, thậm chí có những dấu hiệu cho thấy có khả năng đưa ra những chính sách ngược.
  • Cải tổ, tái cơ cấu, cải cách hành chính (nói cách khác là xây dựng cơ sở hạ tầng mềm cho pha phát triển mới) là hết sức quan trọng. Khó khăn của khủng hoảng cũng là cơ hội tốt để tiến hành những cải cách sâu rộng mà lúc bình thường khó có thể có quyết tâm chính trị để làm. Đấy là cơ hội không nên bỏ phí.

Nghe nói gói kích thích kinh tế có thể lên đến 11-12 tỷ USD (chiếm 14-15% GDP), một con số khổng lồ và vào loại cao nhất thế giới. Lấy đâu ra nguồn? Người ta nói sẽ phát hành trái phiếu để vay của dân. Nên hết sức lưu ý rằng việc chi tiêu của chính phủ và của các doanh nghiệp nhà nước là rất kém hiệu quả (xem phần ICOR). Huy động của dân là khuyến khích họ tiết kiệm chứ không phải khuyến khích họ tiêu dùng hay đầu tư, hoàn toàn ngược với mục tiêu kích cầu. Rất cần tránh việc nhà nước vay mượn quá nhiều và chi tiêu bừa bãi, không hiệu quả. Thế hệ sau sẽ lên án nếu chúng ta không cẩn trọng. Liệu có cần kích thích thêm nữa hay không? Nếu có, nên ở mức nào?

Theo tôi, không thể để cho tật thích chi tiêu một cách kém hiệu quả của các cơ quan nhà nước có cơ hội phát triển thêm. Có lẽ do quá say sưa với kích cầu, kích thích trong suốt cả thập kỷ vừa qua nên nền kinh tế Việt Nam mới có những mất cân đối vĩ mô như vừa qua, và những mất cân đối đó vẫn nguyên đó. Năm 2009 chắc chắn bội chi ngân sách sẽ cao. Đó là việc cực chẳng đã phải chấp nhận, nhưng phải cẩn trọng và không thể để bội chi tăng quá mức không cần thiết, luôn phải lưu ý đến các mục tiêu dài hạn, đến phát triển bền vững.


[1] Xem bài viết của Bùi Trinh và Dương Mạnh Hùng trên Tạp Chí Kinh tế và Dự báo, số 7 tháng 4/2009 hay tại: http://tapchikinhtedubao.mpi.gov.vn/portal/page/portal/tckt/903605?m_action=2&m_typeid=164&m_year=2009&m_itemid=15647&m_magaid=1632&m_category=268

[2] Bùi Trinh và các cộng sự tính hệ số nhân và lan tỏa (chỉ số Hirchman) dựa trên bảng I/O năm 2005 và liệt kê các ngành có hệ số lớn hơn 1. Theo đó những ngành có chỉ số lan toả cao nhất là các ngành chế biến sản phẩm nông nghiệp và sản xuất sản phẩm đầu vào cho ngành nông nghiệp, tiếp đến là nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Có 19 nhóm ngành liên quan đến nông nghiệp trong tổng số 27 ngành có chỉ số lan toả cao hơn 1. Đặc biệt một số ngành có cả chỉ số lan toả và độ nhậy cao hơn một như gạo, thịt và sản phẩm từ thịt, chế biên thức ăn gia súc, chăn nuôi khác, chế biến thuỷ hải sản, lương thực thực phẩm đã qua chế biến, phân bón và nông dược khác. Những ngành này khi được đầu tư mở rộng sản xuất sẽ kích thích toàn nền kinh tế.

Nguyễn Quang A ( Theo Vnids )



Vô Danh Khuyết

Số người đang online cùng bạn

website stats

Số người truy cập

  • 92 768 hits